Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 sáng nay (7/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), và câu hỏi đặt ra là ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế? “Do đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh”.
Với mong muốn đó, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại Hội nghị, được nghe nhiều ý kiến, từ TP. Hà Nội đến Cà Mau, Sơn La, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu năm nay mà có điều chỉnh thì điều chỉnh rất ít…
Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đề nghị, trước hết, Bộ Tài chính, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách. Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
“Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi NSNN, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta..” - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phương châm đặt ra là tài chính không bị động để nền kinh tế bị thu hẹp mà phải chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh.
“Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần bảo đảm an toàn xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn…”- Người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.
Đồng thời lưu ý, Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng qua ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó, thu nội địa giảm hơn 7%, thu dầu thô đạt 59,7% dự toán.
Về thu nội địa, thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, khu vực DNNN giảm 21,5%; khu vực doanh nghiệp FDI giảm 6,3%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15%.
Theo Bộ Tài chính, kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.
Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu - chi NSNN.
“Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính...
Tại Hội nghị, đại diện TP Hà Nội khẳng định rõ nỗ lực hoàn thành dự toán ngân sách trong năm nay là 285.000 tỷ đồng. Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng nêu rõ quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra và không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào.
Hoan nghênh quyết tâm của TP Hà Nội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương cần học tập để tiến lên, không bàn lùi, không kêu khổ. “Tinh thần tiến công cách mạng rất quan trọng trong khó khăn”.
Đánh giá cao Hà Nội có nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian qua, trong đó tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với với 229 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng, “các địa phương phải làm như vậy mới phát triển”.