Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng nước này Hillary Clinton thông báo Mỹ, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về dự thảo nghị quyết trừng phạt chống Iran và gửi văn kiện dự thảo trên đến toàn thể Hội đồng Bảo an LHQ. Chiều 18-5, toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã họp kín để xem xét văn kiện này.
Đề cập đến các cuộc thảo luận giữa năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức (Nhóm P5+1), bà Hillary cho biết các cường quốc "đã nhất trí về một dự thảo kiên quyết (về các biện pháp trừng phạt mới chống Iran) với sự hợp tác của cả Nga và Trung Quốc."
Thông báo của Ngoại trưởng Mỹ là một chuyển biến bất ngờ trong nỗ lực ngoại giao giữa cộng đồng quốc tế và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Thỏa thuận vừa được lãnh đạo 3 nước Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được dường như không được Nhóm P5+1 chấp thuận |
Trước đó một ngày, Iran đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil về chuyển urani làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân cho một lò phản ứng ở Tehran. Thỏa thuận mà bà Clinton thông báo dường như là sự bác bỏ đối với thỏa thuận trao đổi hạt nhân của Iran do Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp thực hiện.
Ankara cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân mới đạt được nếu như phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran. Phát biểu tại Istanbul, Ngoại trưởng Ahmed Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy "sự cần thiết" phải tiếp tục trừng phạt Iran sau khi Tehran ký thỏa thuận chuyển urani đã làm giàu ở mức độ thấp ra nước ngoài. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng coi thỏa thuận về chuyển giao nhiên liệu hạt nhân của Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ là một "bước tiến tích cực".
Bản nghị quyết dày 10 trang mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Iran bằng cách đánh vào ngành ngân hàng và các ngành công nghiệp khác của Tehran nên tiếp tục đón nhận những phản ứng trái chiều từ các nước. Dự thảo nghị quyết mới cấm các quốc gia bán vũ khí hạng nặng cho Iran như xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa; cấm Iran có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; cấm Iran đầu tư vào những hoạt động nhạy cảm ở nước ngoài, như vào các mỏ urani. Dự thảo nghị quyết cho phép kiểm tra các tàu thuyền, cả khi neo đậu lẫn khi đang lưu thông trên biển, nếu nghi ngờ chúng vận chuyển vũ khí thông thường hoặc những bộ phận tên lửa hạt nhân cho Iran. Văn kiện trên cũng đồng thời hối thúc các nước không cấp phép cho các ngân hàng Iran hoạt động trên lãnh thổ nước mình và ngược lại, kêu gọi các nước đình chỉ mọi hoạt động giao dịch tài chính liên quan tới chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran. Dự thảo cũng kêu gọi Liên hợp quốc thiết lập một ủy ban giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran và đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu lực của các biện pháp trừng phạt này. |