Để khắc phục khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng TTCN, theo lãnh đạo sở công thương tỉnh Hưng Yên, các cơ sở sản xuất, chủ động đầu tư thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu, tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường mới.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) có sản phẩm xuất khẩu như: Đồ gỗ, mây, tre đan, hoa quả đóng hộp. Các cơ sở này đã tạo việc làm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) có 545 cơ sở làm nghề mộc, sản phẩm chủ yếu là chạm khắc tranh, tượng, cây, con giống, đồ gia dụng bằng gỗ, xuất bán sang nước ngoài và một phần tiêu thụ nội địa. Đây là nghề truyền thống của địa phương, tạo việc làm và thu nhập khá cho nhiều lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản phẩm đồ gỗ ở các cơ sở xuất khẩu bị đứt đoạn, tiêu thụ gặp khó khăn.
Tại các xã có nghề truyền thống chế biến long nhãn ở thành phố Hưng Yên thời gian qua cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ cũng như xuất khẩu sản phẩm. Nguyên nhân do phía Trung Quốc dừng nhập khẩu đối với nhiều hàng hóa của Việt Nam nên nhiều cơ sở chuyển hướng vào thị trường nội địa nhưng sản lượng tiêu thụ thấp.
Giám đốc Công ty TNHH Thành Yên (thành phố Hưng Yên) Nguyễn Quốc Chữ cho biết: Công ty có 2 cơ sở chế biến nông sản đóng hộp tại huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ với sản phẩm chính là dưa chuột bao tử và dứa, xuất khẩu thị trường truyền thống là Nga. Thời gian qua, ngoài khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu tại chỗ, gần đây do xung đột giữa Nga và Ukraine, việc xuất khẩu của công ty gặp khó khăn nên công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng sản lượng tiêu thụ bị giảm nhiều.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực TTCN. Không ít cơ sở phải cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, doanh thu bị giảm. Nhiều cơ sở có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nga và một số nước gặp khó khăn, có thời điểm bị đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ.
Để khắc phục khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng TTCN, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu cần đa dạng hóa và linh hoạt trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng; bám sát nhu cầu thị trường để cân đối sản xuất, tránh đọng vốn, đọng hàng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích ngành nghề TTCN phát triển thông qua công tác khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, công nghệ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm tốt công tác dự báo, thông tin thị trường.