Khoa hồi sức tích cực bệnh viện hạng I bố trí 2 nhân lực/giường
Theo Bộ Y tế, số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 3 năm gần nhất. Còn với cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.
Cụ thể, với giường bệnh cấp cứu tại cơ sở KCB hạng I trở lên bố trí 1,5 nhân lực/giường bệnh; tương tự với cơ sở KCB hạng II bố trí 1,2 nhân lực/giường bệnh; với cơ sở KCB hạng III bố trí 1 nhân lực/giường bệnh. Riêng với các khoa hồi sức tích cực, hồi sức sau mổ, chống độc và sơ sinh tại cơ sở KCB từ hạng I trở lên bố trí 2 nhân lực/giường; hạng II là 1,5 nhân lực/giường; hạng III là 1,2 nhân lực/giường bệnh. Giường bệnh đa khoa, chuyên khoa khác tỷ lệ này tại các cơ sở KCB hạng I, II, III lần lượt là 0,6;0,55;0,5 nhân lực/giường. Khoa gây mê hồi sức và phòng mổ là 4 người/ bàn mổ.
Đối với khoa khám bệnh/phòng khám đa khoa của bệnh viện hạng I trở lên tỷ lệ người/giường bệnh chung toàn bệnh viện là 6.000 lượt/năm/bố trí 1 người, bệnh viện hạng II là 5.000 lượt/năm/bố trí 1 người, bệnh viện hạng III tỷ lệ này là 4.000 lượt/năm/bố trí 1 người. Tại khoa cận lâm sàng (gồm các khoa phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị), tỷ lệ nhân lực/giường bệnh sẽ từ 0,08-0,15 người/giường tuỳ theo các hạng bệnh viện…
Định mức số lượng người làm việc của trạm y tế xã là 5 người
Ngoài ra, Thông tư 03/2023/TT-BYT nêu rõ tỷ lệ nhân lực y tế theo các chức danh chuyên môn. Cụ thể, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại cơ sở KCB quy định như sau: tỷ lệ bác sĩ từ 20 - 22%; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y 50 - 52%; dược, trang thiết bị y tế 5 - 7%; nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác) 1 - 3%; nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung 10 - 15%; nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động) 5 - 10%.
Tại các trung tâm y tế huyện, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp quy định tỷ lệ bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng từ 20 - 30%, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế khác là 40 - 42%, nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, quan trắc môi trường và chuyên môn khác) 3 - 5%. Đối với trung tâm y tế huyện miền núi, vùng cao số lượng người làm việc được tăng thêm với hệ số 1,3; trung tâm y tế vùng biển đảo số lượng người làm việc được tăng thêm với hệ số 1,5.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng quy định định mức số lượng người làm việc của trạm y tế xã là 5 người làm việc/trạm y tế xã. Trường hợp trạm y tế xã ở vùng I, vùng II có trên 6.000 dân, nếu tăng từ 2.000 - 3.000 dân thì được tăng thêm 1 người làm việc; với vùng III có trên 5.000 dân, nếu tăng 1.000 dân thì tăng thêm 1 người làm việc.
Còn với Trung tâm Cấp cứu 115, định mức số lượng làm việc tại đây tối thiểu là 15 người/trung tâm. Trung tâm có từ 2 xe cứu thương trở lên, thêm 6 người/1 xe cứu thương. Trung tâm có bố trí các điểm cấp cứu ngoài trụ sở thì mỗi điểm cấp cứu được bố trí thêm 3 người…
Thông tư 03/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2023.