Trình bày tại “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP HCM 2017” tổ chức mới đây, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết TP HCM hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.
Để đạt mục tiêu này, TP HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển (hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển; hai hướng phụ làhướngTây - Bắc và hướng Tây, Tây – Nam).
Thành phố không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Thành phố định hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Định hướng phát triển hệ thống giao thông, Thành phố chú trọng các trục vành đai và hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường thủy, hàng không.
Ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết từ nay đến năm 2020, Thành phố cần đến 40 tỷ USD để hiện thực hóa thành mục tiêu xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Để yên lòng các nhà đầu tư, Thành phố có 4 điểm nhấn đáng chú ý: Sắp tới sẽ thành lập 2 tổ 1 cửa để phục vụ doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần nộp hồ sơ 1 lần và sau đó tổ chuyên môn này sẽ tự làm chứ không để nhà đầu tư “tự bơi” như lâu nay; Có một số ưu đãi vượt trội cho các lĩnh vực ưu tiên; Hỗ trợ quỹ đất sạch để rút ngắn thời gian chuẩn bị cho nhà đầu tư. Và, Thành phố sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho nhà đầu tư.
Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu ra các chương trình ưu tiên chiến lược của TP HCM: Định hướng các khu đô thị mới ưu tiên đầu tư gồm: Khu công nghệ cao tại quận 9; khu đô thị mới thủ Thiêm quận 2 (737 ha); khu đô thị mới nam TPHCM; khu đô thị mới Nam Thanh Đa; khu đô thị Tây bắc thành phố (6.000 ha); khu đô thị cảng Hiệp Phước – huyện Nhà Bè (3.900ha, trong đó diện tích sông rạch khoảng 1.000 ha); khu trung tâm hiện hữu mở rộng (930ha).
Chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường có: dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè;dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ; dự án cải thiện môi trường Thành phố -Tiểu dự án rạch Hàng Bàng;dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.
Các chương trình bảo tồn có một số dự án: khu vực bảo tồn kiến trúc cổ trên địa bàn quận 1 và quận 3 (gồm: Bưu điện Thành phố, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố, Bảo tàng TP HCM, Bệnh viện Mắt); dự án Rừng ngập mặn Cần Giờ.
Các chương trình nhà ở xã hội gồm: khu chung cư Đông Hưng quận 12; khu chung cư 99 Bến Bình Đông;khu chung cư Bàu Cát – Tân Bình; khu chung cư Tân Mỹ – Tân Bình;ký túc xá Đại học Bách Khoa;ký túc xá Đại học Quốc gia;khu lưu trú công nhân và nhà ở thu nhập thấp Tân Nhựt – Bình Chánh; nhà ở công nhân Công ty Giày Huê Phong.