Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ mà Ủy ban Dân tộc đạt được thời gian qua; cho rằng những tham mưu, đề xuất, sáng kiến… của Ủy ban Dân tộc đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, diện mạo của vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng có sự thay đổi. Đời sống đồng bào không ngừng được cải thiện rõ rệt. Các trạm y tế, nhà văn hóa, trường học ngày càng khang trang, kiên cố, sạch đẹp và hiện đại. Các chương trình, chính sách dành cho vùng miền núi, dân tộc ngày càng nhiều và được thực hiện ngày một tốt hơn... Tuy nhiên, trước một số tồn tại, hạn chế như đường đến thôn, vùng dân cư còn khó khăn, do vậy Phó Thủ tướng yêu cầu đột phá về cơ sở vật chất trong giai đoạn trung hạn đến năm 2030 là giải quyết “điểm nghẽn” đối với 3 con đường: đường đến khu dân cư, đường điện, đường sóng; cùng với đó là đột phá về con người. Bên cạnh đó, sau chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, có thể chọn đột phá về xây trường nội trú, bán trú, cải thiện điều kiện cho cả thầy và trò.
“Công việc khó khăn, năng lực có những điểm hạn chế, nhưng nếu chúng ta đồng lòng, thành tâm, có trách nhiệm đầy đủ, trăn trở với đồng bào thì chúng ta sẽ làm được điều gì đó cho dân”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng mong muốn Ủy ban Dân tộc cũng như các Bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban Dân tộc, các địa phương trong triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Trọng tâm là tập trung xây dựng và hoàn thiện, triển khai các đề án, chính sách dân tộc và phải thực sự tạo được cú hích, sự chuyển động trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Nhấn mạnh chủ trương, chính sách, nguồn lực đã có, đã được bố trí hoặc đã có kế hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cần chú ý hơn tới việc đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương, nhất là về nguồn lực và kinh phí. Đồng thời, trong quá trình hoạch định chính chính sách, triển khai chính sách, cần đặc biệt quan tâm đến những vùng khó khăn và phải làm khẩn trương, kịp thời với các thủ tục đơn giản nhất có thể, bảo đảm dễ làm, dễ thực hiện, dễ áp dụng chính sách. Các chương trình, dự án về khoa học công nghệ cần cũng chú ý nhiều hơn đến cả các yếu tố về xã hội.
Việc triển khai các đề án, chương trình phát triển khu vực vùng đồng bào DTTS&MN được thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; phải thực sự tạo được những đột phá, cú hích đối với khu vực và cả vùng. Không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc, đồng thời phải nâng cao hơn nữa năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác dân tộc.