Hoàn thiện quy định về biện pháp bảo lãnh, cần quy định một cách cụ thể về tiêu chuẩn để trở thành người bảo lãnh, cũng như tiêu chuẩn của cơ quan tổ chức nhận bảo lãnh. Hiện luật chỉ mới quy định chung chung về tiêu chuẩn của người bảo lãnh chứ không có quy định về tiêu chuẩn của cơ quan tổ chức.
Cần có những Biện pháp ngăn chặn nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội |
Biện pháp ngăn chặn (BPNC) là những biện pháp cưỡng chế do pháp luật TTHS quy định, do cơ quan có thẩm quyền (hoặc người có thẩm quyền) áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố Hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội hoặc có những hành động gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án Hình sự.
Theo Điều 79 BLTTHS, BPNC trong bao gồm: Bắt người, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bão lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo. Việc áp dụng các BPNC có thể hạn chế một số quyền cơ bản của công dân, gây ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín… của đối tượng bị áp dụng. Do đó, để áp dụng các BPNC cần có các căn cứ cụ thể, rõ ràng và do luật định.
“Cá nhân có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này, ít nhất phải có hai người; Tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Theo đó, khi nhận bảo lãnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh”.
Tuy nhiên, quy định này chỉ dừng lại trên giấy mực, chưa thể thực hiện trên thực tế vì còn gặp nhiều vướng mắt, cụ thể như sau: Theo khoản 4 Điều 92 BLTTHS: “Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lãnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lãnh thì việc bảo lãnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức”.
Với quy định trên, dường như ai cũng đủ tư cách để trở thành người bảo lãnh vì dựa vào căn cứ nào để khẳng định chắc chắn rằng người nhận bảo lãnh là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; căn cứ nào để cho rằng người nhận bảo lãnh không có tư cách, phẩm chất tốt?
Ngoài ra, nếu người nhận bảo lãnh là người thân thích của bị can, bị cáo nhưng lại định cư ở nước ngoài… thì có cho nhận bảo lĩnh không? Với cách quy định chung chung như vậy đã dẫn đến việc lựa chọn người nhận bảo lãnh còn nhiều tùy tiện, không chính xác, không mang tính ràng buộc cao.
Luật cũng chỉ mới quy định chung chung về tiêu chuẩn của người bảo lãnh chứ không có quy định về tiêu chuẩn của cơ quan tổ chức. Như vậy, việc không quy định tư cách của cơ quan tổ chức bảo lãnh là một thiếu sót lớn của nhà làm luật và đây cũng là điểm cần phải được bổ sung.
Trong trường hợp người được bảo lãnh bỏ trốn hoặc vi phạm quy định pháp luật thì trách nhiệm của người bảo lãnh còn rất mờ nhạt. Khoản 4 Điều 92 BLTTHS quy định cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan. Nhưng chịu trách nhiệm như thế nào, chế tài ra sao thì luật lại không quy định, cũng không có văn bản hướng dẫn.
Về quy định đặt tiền và tài sản có giá trị để bảo đảm được quy định tại Điều 93 BLTTHS để thay thế biện pháp tạm giam. Đây là một trong ba BPNC không mang tính giam giữ được áp dụng đối với bị can, bị cáo để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những tội danh nào thì có thể được áp dụng biện pháp này, áp dụng như thế nào, thời gian áp dụng bao lâu, ai có quyền được đặt tiền và tài sản có giá trị để bảo đảm và số tiền hoặc giá trị tài sản để bảo đảm là bao nhiêu, việc xử lý tiền và tài sản khi có vi phạm như thế nào…?
Hiện nay, thông tư liên tịch về dự thảo quy định về việc đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo thay thế tạm giam đã dần được hoàn thiện. Theo đó, tài sản đặt để đảm bảo thay thế cho việc tạm giam gồm tiền Việt Nam, kim loại quý hoặc đá quý. Theo dự kiến với loại tội phạm ít nghiêm trọng, khoản tiền đặt để thay thế tạm giam là 20 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 80 triệu động; tội phạm rất nghiêm trọng 200 triệu đồng; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, cần lưu ý là việc áp dụng biện pháp này khá nhạy cảm, vì đây là biện pháp nộp tiền để khỏi bị giam nên việc áp dụng biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho những người giàu, có điều kiện về kinh tế thoát khỏi bị giam giữ, còn người nghèo thì phải chịu chấp nhận bị giam giữ. Cũng có tâm lý còn e ngại rằng, việc áp dụng biện pháp này có thể bị lợi dụng để tiêu cực, hối lộ, "chạy chọt" để khỏi bị tạm giam.
Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm người nhận bảo lãnh trong việc thực hiện các nghĩa vụ cam đoan: Bảo đảm chắc chắn là người được bảo lãnh tuân thủ đúng những quy định, yêu cầu của pháp luật; báo cáo ngay đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện người được bảo lãnh có thể thực hiện hoặc đã thực hiện những hành vi vi phạm.
Nếu người nhận bảo lãnh vi phạm các nghĩa vụ đã cam đoan thì có thể áp dụng các chế tài như: Bị phạt tiền và số tiền bảo lĩnh bị sung quỹ Nhà nước. Nếu hành vi cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Quy định thêm các trường hợp hạn chế bảo lãnh như không áp dụng bảo lãnh đối với bị can, bị cáo tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia...
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)