Hàng loạt tài sản “khủng” của Trương Mỹ Lan
Tại phiên tòa sáng nay, về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án này, bị cáo Lan cho biết, con gái của bà đang rao bán tòa nhà Capital Palace (số 29 Liễu Giai, Hà Nội) ước tính có giá trị khoảng 1 tỷ USD. Thế nhưng chủ tọa cho biết, theo thông tin từ con gái bà Lan gửi tòa thì có người hỏi mua với giá chỉ 360 triệu USD, chứ không phải 1 tỷ USD như trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Lý giải thêm vì sao có giá tới 1 tỷ USD, bị cáo Lan cho rằng, tòa nhà này trước đây mua 700 triệu USD, từ đó tới nay thêm rất nhiều chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện nữa nên bị cáo ước tính tòa nhà này có giá khoảng 1 tỷ USD. Bị cáo cũng nhấn mạnh rằng, việc bán tòa nhà cho các bên nước ngoài có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc trả giá của các đơn vị trong nước.
Một tài sản có giá trị khác đó là khách sạn 5 sao Daewoo tại Hà Nội cũng được bị cáo Lan đề nghị thu hồi để khắc phục hậu quả trong vụ án (nếu có thể). Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, đây là khách sạn của Công ty Cổ phần Bông Sen, là công ty của gia đình bị cáo. Con gái đề nghị bị cáo Lan bán khách sạn đó nhưng bị cáo cho biết, khách sạn này đang vướng mắc, do trước đây được cho mượn để phát hành trái phiếu. Song, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị HĐXX nếu thu hồi được thì đưa vào giải quyết hậu quả vụ án này.
Đáng chú ý nhất đó là căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110 -112 Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) có diện tích gần 3.000m2, được gia đình bà mua năm 2015 với giá 700 triệu USD. Với tài sản này, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX không kê biên, do đây là công trình di tích cần được bảo tồn và đề nghị trả lại cho gia đình để gia đình bà tiếp tục trùng tu, tránh công trình bị xuống cấp. Công trình được trùng tu từ năm 2019 đến lúc bị cáo bị bắt thì công trình ngưng.
Ngoài các tài sản đó, bị cáo Trương Mỹ Lan còn xác nhận công ty của bị cáo có nhà máy sản xuất vaccine đầu tư 315 tỉ đồng. Con gái bị cáo đã đề nghị chuyển nhượng cổ phần sang cho đối tác khác bằng giá trị đầu tư 315 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại. Bị cáo Lan cũng đồng ý thu hồi một dự án tại Quận 7, bán công ty bảo hiểm đã mua khoảng 1.000 tỉ đồng để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án.
Hiện bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đang bị xét xử về nhiều hành vi, gây thiệt hại cho SCB 498 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, trình bày tại phiên tòa với tư cách là người bị hại, đại diện Ngân hàng SCB cho rằng, tạm tính đến ngày 05/3/3024, các bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng này là hơn 760 nghìn tỷ đồng, chứ không phải gần 500 nghìn tỷ đồng như cáo trạng.
Mong khắc phục để hưởng khoan hồng
Bên cạnh bị cáo Lan (người đứng đầu vụ án) thì nhiều bị cáo cộm cán khác trong vụ án, như: Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Phạm Thu Phong (cựu Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB)… đều tích cực khắc phục hậu quả trong khả năng có thể.
Hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả |
Đặc biệt là bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng Đoàn Thanh tra) được xem như khắc phục đủ số tiền 5.2 triệu USD đã nhận hối lộ), bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella) đã khắc phục được gần 800 tỷ đồng trong tổng số 1.000 tỷ đồng bị cáo buộc đã chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan.
Tại phiên tòa, vợ bị cáo Trí cũng như bị cáo đều mong muốn HĐXX cho bị cáo khắc phục hết thiệt hại bằng toàn bộ tiền mặt ngay trong quá trình xét xử sơ thẩm để được xem xét tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng khi tuyên án, đồng thời mong muốn xin được trả lại 6 bất động sản mà cơ quan chức năng đã kê biên của gia đình bị cáo.
Như vậy, sau hai tuần đưa “đại án” trăm nghìn tỷ ra xét xử, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi các bị cáo, bị hại và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Theo lịch HĐXX thông báo, phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày Thứ ba (19/3) với phần tranh luận.