Chăm sóc người có công trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng
Năm 2017 nhắc đến Bộ LĐTBXH là nhắc đến những thành tựu trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa mà Bộ đã thực hiện. Trong năm 2017, Bộ LĐTBXH đã tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 Bằng Tổ quốc ghi công. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng cho gần 1,4 triệu người. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” tiếp tục được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Bộ LĐTBXH, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình” đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016 (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%). Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Năm 2017 cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Cả năm giải quyết việc làm cho trên 1,63 triệu người, đạt 102,48% kế hoạch, trong đó: Tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, đạt 100,7% kế hoạch; Đưa trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 127,6% kế hoạch. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm ước đạt trên 43%...
Ấn tượng của Thủ tướng về một Bộ đoàn kết, thống nhất
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, Bộ LĐTBXH phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23 - 23,5%); Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5% (trong đó, các huyện nghèo giảm 4%)...
Tới dự và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2017 ngành LĐTBXH đã đạt được nhiều thành tích, xuất sắc, vượt chỉ tiêu. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao thành tích của ngành LĐTBXH nói chung và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói riêng. Thủ tướng rất ấn tượng về một Bộ LĐTBXH đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, một Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sâu sát, bền bỉ, thuyết phục. Nhiều cán bộ của ngành lăn lộn, len lỏi, sát dân…
Theo Thủ tướng, trong năm 2018 toàn ngành LĐTBXH phải nỗ lực hơn nữa, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2017, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội, trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi); sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hoàn thiện thể chế thị trường lao động, giải quyết việc làm, tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, thu thập, cập nhật, phân tích dữ liệu thị trường lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường lao động một cách đầy đủ, vận hành thông suốt; thực hiện các giải pháp ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; quản lý chặt chẽ, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài...
Đặc biệt, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: tập trung, quan tâm tổ chức chăm lo chu đáo cho các đối tượng, nhất là đối với người có công, đối tượng xã hội, người nghèo, người lao động; bảo đảm điều kiện vật chất, tinh thần để mọi người dân đều được hưởng Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm, an toàn.