Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) những ngày gần đây liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc chì. Từ trước Tết đến nay đã có trên 130 cháu phải nhập viện. Đáng ngại là số trẻ này nằm rải rác trên các tỉnh phía Bắc.
|
Ảnh minh họa |
Một ca tử vong
Theo TS.Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - đây là lần đầu tiên số ca bệnh nhi bị ngộ độc chì ồ ạt phải vào Trung tâm điều trị nhiều đến như vậy. Chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, thậm chí có cả trẻ 1 tháng tuổi. Trong đó có nhiều cháu bị nhiễm độc được đưa vào bệnh viên trong tình trạng bị hôn mê, liệt cơ, thiếu máu, co giật, liệt mắt, mất tiếng… và có một ca tử vong. Trung tâm phải dành riêng một phòng cho các cháu nhưng vẫn phải nằm ghép. Đáng nói là số bệnh nhân này rải rác ở diện rộng ở 15 tỉnh phía Bắc, nhưng nhiều nhất là ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội...
TS Duệ cho hay, nguyên nhân là do các mẹ mua thuốc cam bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở ngoài chợ về cho con dùng. Qua tìm hiểu, có thầy lang cho biết đã mua ở biên giới Móng Cái, các gói thuốc đủ màu cam, nâu, đỏ trông bắt mắt đội lốt thuốc cổ truyền để bán cho người dân hiểu biết kém.
Mặt hàng này bán tràn lan, công khai nhưng khi hỏi chính quyền địa phương, cơ sở y tế thì đều không biết.
Điều này cho thấy, không chỉ người dân nhận thức kém mà ngay ngành Y tế, chính quyền địa phương cũng thiếu trách nhiệm với sức khỏe của dân. “Sau khi phát hiện, chúng tôi đã đề nghị các mẹ về tuyên truyền tại địa phương để đưa những cháu đã từng uống loại thuốc cam như vậy lên để kiểm tra. Kết quả trong số trẻ đến kiểm tra thì có 100% bị nhiễm và có khoảng 95% nhiễm độc trên mức bình thường” - ông Duệ cho biết.
Mặc dù, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu địa phương kiểm tra và dẹp những người bán thuốc cam dỏm này; song Sở Y tế cấm nhưng ai là người theo dõi giám sát việc này nếu chính quyền địa phương không vào cuộc.
Do đó, theo TS Duệ, các Sở Y tế, chính quyền địa phương phải cùng cơ quan chuyên môn phối hợp để có điều tra số trẻ bị nhiễm độc chỉ do uống thuốc cam dỏm là bao nhiêu, thuốc dỏm này được nhập vào từ bao giờ, bởi nếu trẻ bị nhiễm chì càng lâu càng nguy hiểm. Chúng tôi lo lắng hậu quả do ngộ độc chì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thể chất cũng như trí não của trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Đáng lo ngại là khi bệnh nặng trẻ mới có các biểu hiện co giật, thiếu máu, liệt cơ, tiêu chảy… còn nếu chỉ bị nhiễm độc chì nhẹ thì không có triệu chứng nhưng về lâu dài sẽ gây hậu quả khó lường.
Đình chỉ hành nghề “thuốc cam” rởm
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền - cho biết Vụ đã gửi công văn đến 63 tỉnh, thành yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đình chỉ hành nghề đối với những cơ sở không phép, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì, cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, lễ hội. Riêng các tỉnh có nhiều bệnh nhân ngộ độc chì đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nhi Trung ương... Vụ còn yêu cầu kiểm tra cụ thể các địa chỉ hành nghề y dược mà trẻ phải nhập viện vì sử dụng “thuốc cam” tại đây.
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội xác nhận đã đình chỉ hành nghề đối với ba cơ sở bán “thuốc cam” có chứa hàm lượng chì cao là cơ sở của ông Nguyễn Văn Trân (ở huyện Phúc Thọ), cơ sở của bà Lê Thị Sói (An Khánh, Hoài Đức), cơ sở của bà Đặng Thị Tình (Minh Đức, Phú Xuyên).
Thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy trẻ ngộ độc chì phải nhập viện đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam” - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống chữa “tưa lưỡi”. Tuy nhiên, theo ông Sơn, cá biệt trường hợp 5 người trong một gia đình tại huyện Hải Hậu (Nam Định) bị ngộ độc chì nặng do dùng thứ nước sắc bằng đất đèn có hàm lượng chì cao để trừ giải tà ma theo hình thức mê tín dị đoan. |
Uyên Na