Giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương
Thông tin tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2022, thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật…
Trong năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Liên quan đến lĩnh vực cải cách hành chính, theo số liệu thống kê tính đến 30/11/2022, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98%; 100% Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2023, Bộ và ngành Nội vụ tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản, nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp.
Quang cảnh buổi họp báo chiều 26/12. |
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khắc phục kịp thời hạn chế trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức...
Xây dựng cơ chế cụ thể, phù hợp để khuyến khích cán bộ dám đổi mới
Trả lời câu hỏi về vấn đề biên chế vượt chỉ tiêu của TP.Hồ Chí Minh, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Tổ chức biên chế cho biết, đây là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế rất cao; là động lực, đóng góp tỉ trọng GDP rất lớn cho đất nước. Vì vậy tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất để TP.Hồ Chí Minh có đủ nguồn lực nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc và đang phối hợp với Thành phố này báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương để có hướng xử lý. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị trong việc xây dựng biên chế cả giai đoạn 2022 - 2026. Bộ Chính trị đã có quyết định giao biên chế cho các địa phương thực hiện. Lộ trình tinh giản biên chế từ nay đến năm 2026 sẽ do địa phương chủ động xây dựng phương án, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi.
Ông Vũ Hải Nam trả lời câu hỏi tại buổi họp báo. |
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức đã giải đáp những băn khoăn về quy định bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Vừa qua, chúng tôi đã trình Chính phủ đưa vào chương trình công tác của Chính phủ năm 2023 để xây dựng Nghị định về vấn đề này”- ông Ninh thông tin.
Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức nhấn mạnh, đây là nội dung khó, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một số cơ chế, chính sách, pháp luật chưa được đồng bộ. “Ngay cả quy định thế nào là đổi mới sáng tạo, chúng tôi cũng rất trăn trở. Vì đổi mới sáng tạo rất phong phú trên tất cả các lĩnh vực.
Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo để làm sao đạt được mục tiêu là xây dựng được một cơ chế đảm bảo cụ thể, phù hợp, hiệu quả nhằm khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thứ hai là làm sao để động viên đội ngũ cán bộ phát huy được trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong công việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra... Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra cơ chế để làm sao ngoài khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện bao che những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”- ông Ninh nói./.
Liên quan đến việc nghiên cứu mô hình thị trưởng cho các đô thị, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho rằng, việc này liên quan đến thể chế hoạt động; mô hình này đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, kể cả với các nước có cùng thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Lào. Thời gian tới, Vụ Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị để nghiên cứu dần mô hình này. Việc nghiên cứu sẽ được thực hiện sau khi sơ kết mô hình cải cách chính quyền đô thị tại 3 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh), đồng thời sẽ nghiên cứu cả kinh nghiệm thế giới.
Làm rõ thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, mô hình thị trưởng được nhiều nước áp dụng, nhưng việc này cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng; cần cân nhắc để phù hợp với yếu tố văn hóa, nền tảng xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt, mô hình này khi đề xuất thực hiện cần có sự đồng thuận của người dân.