Thưa ông, trong bối cảnh rất nhiều địa phương của cả nước đang bắt tay vào xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc giao tiếp với chính quyền…, Cà Mau đã và sẽ làm gì để ứng dụng CNTT vào chỉ đạo, điều hành?
- Hiện, Cà Mau đang trong quá trình triển khai xây dựng các ĐTTM trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh xác định lồng ghép việc xây dựng ĐTTM với hoàn thiện khung chính quyền điện tử.
Về chính quyền điện tử thì Cà Mau tiến hành có trọng tâm trọng điểm. Tỉnh sớm thành lập Trung tâm giải quyết TTHC - điểm nhấn quan trọng thực hiện chính quyền điện tử. Việc đưa Trung tâm giải quyết TTHC vào hoạt động đã làm chuyển đổi lớn về cách thức làm việc của các sở, ban, ngành trong việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng qua việc này, sự phối hợp của các cấp, ngành thuận lợi và chặt chẽ hơn để phục vụ người dân.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có một số TTHC áp dụng cấp độ 4 để người dân người dân sử dụng. Ở cấp độ này, người dân có thể ở nhà nộp hồ sơ một cửa và công việc sẽ được chuyển đổi tới các cơ quan để giải quyết. Tới thời hạn hoàn thành, hồ sơ sẽ được chuyển tới tận nhà người dân… Tuy nhiên, cũng phải nói việc thực hiện dịch vụ công mức độ 4 còn thấp bởi người dân chưa quen với việc này.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh cùng các huyện khác thực hiện xây dựng ĐTTM, chính quyền điện tử, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo ra thói quen cho người dân để có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến tốt hơn.
Ông Thân Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau |
Bao giờ thì ĐTTM của Cà Mau sẽ được đưa vào thực hiện, thưa ông? Theo ông, khó khăn nhất khi thực hiện ĐTTM ở Cà Mau là gì?
- Quyết tâm của tỉnh xác định tới năm 2020 sẽ đạt được một số nội dung chính của ĐTTM. Chúng tôi sẽ tiến hành trên diện rộng, không chỉ xây dựng ở một mà ở các địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng ĐTTM sẽ tiến hành từng bước, chọn từ bước trọng tâm để lan tỏa ra các bước tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện ĐTTM ở Cà Mau, khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là nguồn nhân lực và vốn. Tôi lấy ví dụ, để duy trì hoạt động của Trung tâm giải quyết TTHC, nguồn kinh phí của Cà Mau cũng ít so với các tỉnh khác.
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Cà Mau đã hợp tác rất chặt chẽ với các đơn vị về CNTT, viễn thông hàng đầu của cả nước. Đặc biệt, chúng tôi đã ký một thỏa thuận chiến lược với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để phát triển việc này và hiện nay đã thực hiện được nhiều hạng mục.
Xin cảm ơn ông!
Theo hợp tác giữa Cà Mau và VNPT, VNPT sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử; Ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, chính quyền điện tử; Đào tạo nhân lực CNTT- viễn thông của tỉnh Cà Mau.
Tập đoàn VNPT cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ Cà Mau đánh giá tổng thể hiện trạng, nhu cầu về hạ tầng mạng truyền số liệu, lưu trữ dữ liệu để lập kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT. Tập đoàn này cũng cung cấp các dịch vụ truyền dẫn, chứng thực chữ ký số, lưu trữ dữ liệu… phục vụ việc kết nối, điều hành và triển khai chính quyền điện tử.
Theo đại diện VNPT Cà Mau, đơn vị này đã triển khai mạng cáp quang rộng toàn tỉnh, kết nối UBND các cấp, các sở, ngành qua mạng truyền số liệu chuyên dùng và internet. Mạng VinaPhone đã phủ sóng 3G, 4G và dịch vụ vệ tinh (VinaPhone-S) đến toàn bộ tỉnh Cà Mau phục vụ kết nối tốt hơn cho ngư dân khu vực biển đảo.
Việc đầu tư hạ tầng rộng khắp đã góp phần không nhỏ để tỉnh Cà Mau triển khai ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực. Trong đó 100% cơ sở y tế triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (VNPT-HIS) đã được kết nối liên thông với Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng giám định bảo hiểm y tế quốc gia. Ngoài ra, trên 50% trường học tại Cà Mau sử dụng phần mềm VnEdu và 63.521 hồ sơ học sinh được quản lý trên hệ thống, trong đó đã khai báo 41.986 sổ liên lạc điện tử cho học sinh, kết nối thông tin của nhà trường và phụ huynh…