Theo nhận định của UBND tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mực nước trên hệ thống kênh, mương, khô cạn rất nhanh, kênh trục và kênh cấp 1 chỉ còn khoảng 0,5-0,1m, kênh cấp II, III đã khô cạn; đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Gần 43.000 ha rừng, trong đó có diện tích rừng quốc gia U Minh Hạ đang trong tình trạng báo động cháy (cáp IV là hơn 11.000 ha, cấp V là hơn 12.000 ha); một số cống ngăn mặn đã bị sụt lún, sạt lở với chiều dài gần 22km, trong đó có cả các công trình quy mô lớn như tuyến đường Tắc Thủ- Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT) và tuyến đê biển Tây cũng bị sụp lún.
Những thiệt hại nói trên chủ yếu do vùng ngọt hóa bị thiếu nước phục vụ sản xuất, sông rạch khô hạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt quá lớn. Các cơ quan chuyên môn dự báo hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6 và thiệt hại sẽ tiếp tục xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, sẽ có trên 24.795 ha lúa đông xuân và 340 ha hoa màu bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do thiếu nước; 13.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; sẽ có thêm nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn bị sụt lún; nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, đặc biệt là khi có sự cố thì sẽ không có nước để chữa cháy.
Bàn giải pháp đối phó, khắc phục với tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2020.
Để đánh giá cụ thể nguyên nhân và có giải pháp căn cơ giúp tỉnh Cà Mau xử lý trước mắt và khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, ngày 24/02, UBND tỉnh sẽ tổ chức chương trình khảo sát thực tế và cùng tỉnh bàn giải pháp đối phó, khắc phục với tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2020.
Dự kiến buổi khảo sát thực tế sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Nhằm chuẩn bị tốt cho buổi khảo sát, UBND tỉnh Cà Mau quyết định giao Sở NN & PTNT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về thành phần, thời gian và địa điểm và phương tiện khảo sát thực tế để trao đổi, thống nhất với Bộ, ngành Trung ương trước khi đi khảo sát.
Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh cũng phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Sở NN & PTNT cùng các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ đại biểu và chuyến khảo sát có kết quả tốt đẹp./.