Theo thống kê, vào cuối năm học 2017- 2018, tỉnh Cà Mau có 648 điểm trường lẻ. Trong hè 2018, toàn tỉnh đã xóa 192 điểm, hiện còn 456 điểm. Đó là kỳ tích của tỉnh Cà Mau trong rà soát, sắp xếp, trường lớp, giáo viên theo chủ trương của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Tính đến ngày 31/3/2019, toàn tỉnh có 517 trường ở các cấp học, với tổng số 456 điểm trường lẻ. Trong đó, mầm non 120 trường, với 258 điểm; tiểu học 244 trường, với 193 điểm; THCS 122 trường, với 5 điểm lẻ; THPT 31 trường.
Sau khi rà soát, sắp xếp trường lớp, tỉnh Cà Mau gặp khó khăn trong bố trí giáo viên đứng lớp do số lượng người làm việc được giao hiện tại thấp hơn so với định mức giáo viên ở tất cả các môn học (chủ trương không cho hợp đồng chuyên môn và nghiệp vụ - PV).
Để giải quyết những khó khăn hiện có tại địa phương, UBND tỉnh Cà Mau tham mưu với HĐND tỉnh tạm thời điều chuyển 615 biên chế viên chức (số người làm việc) từ Y tế sang giáo dục. Do đó, hiện nay, chưa bố trí đủ biên chế cho sự nghiệp giáo dục là 932 biên chế.
Do đặc thù của tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, phải bố trí nhiều điểm trường lẻ nên tỉnh thiếu nhiều giáo viên (Ảnh: Học sinh Cà Mau đi học bằng đò) |
Nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên là do nhu cầu bổ sung giáo viên Tiếng Anh và Tin học; do địa hình sông nước, dân cư phân tán; trường lớp xây dựng qua nhiều thời kỳ, phòng học có diện tích khác nhau, phần nhiều là diện tích phòng học nhỏ, nên sĩ số học sinh không đáp ứng được theo quy định của Bộ GD& ĐT (không quá 35 học sinh/ lớp đối với Tiểu học và 45 học sinh/ lớp đối với THCS, THPT);….
Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ Nội vụ bổ sung cho tỉnh Cà Mau 1.547 số lượng người làm việc để bố trí bổ sung cho sự nghiệp giáo dục. Kinh phí trả cho số giáo viên cần tăng thêm là hơn 72 tỷ đồng.
Được biết, hiện tại, ngành giáo dục Cà Mau đang khẩn trương xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới trường học và mời gọi đầu tư giai đoạn 2019 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ đó làm cơ sở để sắp xếp ổn định trường, lớp, đội ngũ giáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ổn định đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sự phát triển của giáo dục tại địa phương.