Cả làng “nóng mắt” vì cô dâu... lộ gò bồng đảo
Phù Lãng cách Hà Nội 60km, nằm bên bờ sông Cầu, có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại, được biết tới với nghề làm gốm. Nhưng ít ai hay Phù Lãng còn có “lệ làng” độc đáo, không có ở làng quê nào trên dải đất chữ S. Đó là cô dâu không được mặc váy cưới.
Khoảng gần hai chục năm trước, một cửa hàng ảnh viện áo cưới xuất hiện ở làng. Đây là sự kiện chấn động khiến các thiếu nữ Phù Lãng náo nức. Ai cũng ước mơ, khi lấy chồng được khoác chiếc váy cưới bồng bềnh, trắng muốt, tinh khôi.
Ngày ấy, cô dâu “mở hàng” ảnh viện áo cưới làng là thiếu nữ tên Nguyễn Thị Lan, mới 19 tuổi. Nhà nghèo, kinh tế gia đình chỉ trông vào hạt lúa, nghề gốm bấp bênh, nhưng nghĩ tới cả đời chỉ cưới một lần, Lan “sống chết” đòi bố mẹ thuê váy cưới cho mình.
Ngày cưới, dân trong và ngoài làng kéo đến rất đông. Ngoài chúc tụng, họ không quên đến xem cô dâu mặc váy cưới bồng bềnh thế nào. Lan hãnh diện trong bộ váy trắng muốt, hở vai, hở cả một mảng lưng trần.
Khi cùng chú rể bước ra tiến hành lễ cưới, Lan khiến tất cả quan khách ngỡ ngàng. Mỗi lần cúi xuống rót trà mời khách, khuôn ngực của cô dâu lại lấp ló sau voan vải mỏng. Các cao niên đỏ mặt quay đi, đám trai làng chỉ chỏ, tủm tỉm cười. Thấy vậy, gia đình liền sai người rót nước thay cô dâu.
Đến giờ lành, cô dâu váy áo bùng nhùng, vô tư ngồi vắt vẻo sau xe máy chú rể để về nhà chồng. Đuôi váy quá dài, lòe xòe che hết bánh xe. “Đại họa” tới đỉnh điểm. Xe vừa lăn bánh cũng là lúc đuôi váy cô dâu quấn chặt vào xe khiến váy áo bị xé toạc làm mấy mảnh, đôi gò "bồng đảo" bỗng chốc “lộ thiên”. Các cao niên “ngứa con mặt bên phải, đỏ con mắt bên trái”, tức tối bỏ về không đưa rước. Đám trai làng càng được dịp cười ngả nghiêng.
Phạt tiền triệu nếu “phạm quy”
Ngay sau hôm sự cố “lộ hàng” ấy, chức sắc trong làng tức tốc họp bàn. Cuộc họp diễn ra gay gắt không ngoài trách mắng gia đình Lan không biết dạy con, làm xấu mặt dòng họ, ê mặt xóm giềng. Sau một hồi bàn tính, một “nghị quyết” đưa ra là: Từ nay, các cô dâu Phù Lãng không được váy cưới. Vậy là "lệ làng" thành từ đó.
Để lệ làng đi vào cuộc sống, các vị chức sắc đưa ra một “chế tài” xử lý nghiêm minh. Theo ông Nguyễn Quy Kinh, trưởng thôn Đồng Sài, mỗi lần đăng ký kết hôn, gia đình cô dâu, chú rể phải “thế chấp” 1 triệu đồng “cắm quỹ”.
Gia đình tổ chức hôn lễ phải chấp hành đầy đủ nội quy đám cưới tiết kiệm, giản dị, truyền thống: không bày thuốc lá, không cỗ bàn trăm mâm, không nhạc sống, không đốt pháo. Đặc biệt, cô dâu không được mặc váy cưới, thay vào đó là chiếc áo dài truyền thống.
Các vị trung tuổi, cao niên “chốt” lại: “Áo dài truyền thống mặc vừa đẹp, vừa gọn gàng, thanh lịch, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế của địa phương”. Ngoài việc sợ phạt, đa số dân làng đều đồng tình với “lệ làng” độc đáo này.
Lệ làng cũng có kẽ hở?
Ảnh viện áo cưới ở làng cũng thất nghiệp, “phá sản” từ đó. Nhưng có lẽ “kém vui” nhất là các thiếu nữ. Muốn khẳng định mình, không ít cô dâu trẻ dám “cả gan” bước qua “lệ làng”. Bà Nguyễn Thị Hạo có con gái “trái tính” kể: “Hai năm trước, con gái tôi vay tiền ở đâu âm thầm thuê váy cưới tít trên tỉnh. Nó bảo: Đời con gái chỉ có một lần mặc váy lên xe hoa, nếu cấm thì còn gì là thiêng liêng nữa. Tôi đành phải “thỉnh” ông trưởng họ tới. Ông cụ nói như đinh đóng cột: “Mặc váy cưới để thiên hạ soi da thịt à? Không mặc áo dài, mày khỏi phải về nhà chồng. Phép vua thua lệ làng”. Trước lời nói như dao sắc ấy, nó phải lên huyện trả váy cưới vẻ mặt phụng phịu, không vui”.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, “lệ làng” này bắt đầu được “nới lỏng”, cũng do kẽ hở trong quy định. Bởi lệ chỉ cấm gái làng, không cấm các thiếu nữ về làng làm dâu.
Vì thế, các cô dâu lấy trai làng khi được đón dâu về đều mặc váy cười. Thấy “bất công”, nhiều thiếu nữ làng “kiện” ngược các vị chức sắc. Sau một thời gian “ngâm cứu”, các vị đành thống nhất phương án “nước đôi”: Không đồng ý nhưng cũng chả cấm.
Ông trưởng thôn cười cho biết cô dâu mặc váy cưới bây giờ không bị “phạt vạ” nữa. Xã chỉ vận động, tuyên truyền tới các gia đình tổ chức lễ cưới giản dị, trang trọng, lịch sự, tiết kiệm mà thôi.
“Nhưng có lẽ, “lệ làng” này đã phần nào ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Hiện nay chỉ lác đác các cô dâu mặc váy cưới, còn lại đa phần vẫn mặc áo dài truyền thống", ông trưởng thôn nhấn mạnh.