Khi phụ nữ vào cuộc
Ở Quảng Nam, ngay từ đầu năm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đưa nội dung công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và giao ước thi đua, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Hội và Công an tỉnh về “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, giai đoạn 2017 – 2020. Đến nay phụ nữ 18/18 huyện, thị xã, thành phố có chương trình hoạt động, lồng ghép các cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc.
“Tùy theo đặc điểm từng cơ sở để chọn “5 không, 3 sạch kiểu mẫu” khác nhau. Ví dụ “5 không” là không vi phạm luật pháp, tệ nạn xã hội, tín dụng đen...Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng ngừa, can thiệp hiệu quả”, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết.
Trên cơ sở đó, đến nay 18/18 huyện, thị xã,thành phố ở Quảng Nam đã xây dựng”Tổ tư vấn pháp luật” và nhiều nhóm tư vấn pháp luật tại các xã, thị trấn. Từ ngày có Nghị quyết liên tịch đến nay, hàng trăm thanh, thiếu niên có biểu hiện hư hỏng đã được tổ chức học tập nâng cao nhận thức pháp luật tại các xã, phường.
Đặc biệt là thông qua sinh hoạt tổ hội, Hội viên phụ nữ chủ động cung cấp cho cơ quan Công an hàng trăm tin báo liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Các cấp Hội còn tổ chức hòa giải thành công hàng trăm vụ việc tranh chấp lớn nhỏ, giữ gìn đoàn kết cộng đồng dân cư và an ninh trật tự thôn xóm.
Ở mỗi cơ sở xã phường đều có kinh nghiệm hay. Hội LHPN xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên sáng tạo các cuộc thi tìm hiểu luật pháp như “Rung chuông vàng”, phối hợp với các đoàn thể khác ra mắt mô hình “Tiếng loa an ninh”, “Tủ sách tuyên truyền pháp luật”; duy trì hoạt động của các mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm luật pháp”, “Giúp người lầm lỗi hoàn lương”, thực hiện hiệu quả mô hình “Tổ phụ nữ cảm hóa trẻ em hư hỏng”. Chính Hội đã đưa vào chương trình cảm hóa 12 trẻ em có hành vi phạm pháp, 29 đối tượng chấp hành xong hình phạt tù về địa phương nhưng chưa được xóa án tích.
Đến nay 5 em đã tiến bộ được đưa ra khỏi diện quản lý, 13 đối tượng đủ điều kiện xóa án tích...Các mô hình của phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở Duy Phước hoạt động càng ngày càng hiệu quả, góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ bình an thôn xóm, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đại tá Hoàng Văn Toàn- Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trao Cờ thi đua của Bộ cho các tập thể có thành tích trong phong trào quần chúng Bảo vệ ANTQ năm 2018. |
Giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, thôn xóm thì không có gì hiệu quả bằng việc phụ nữ vào cuộc. Việc các tổ chức Hội phụ nữ từ tỉnh đến xã, phường chủ động, tích cực là một kinh nghiệm quý ở Quảng Nam.
Phong trào vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu
Phát huy các thành tích những năm trước, từ đầu năm đến nay tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Quảng Nam, kể cả tuyến biên giới, tuyến biển đều được đảm bảo.
“Chúng tôi chú trọng tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ngay từ đầu năm Công an tỉnh tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn toàn tỉnh. Chú trọng phong trào cả chiều rộng và chiều sâu”, Đại tá Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.
Nhờ có phong trào đi vào chiều sâu, riêng năm 2018 nhân dân toàn tỉnh đã cung cấp cho cơ quan công an gần 3.500 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an tổ chức 193 đợt truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; đấu tranh triệt phá 109 vụ gồm 164 đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; điều tra khám phá gần 700 vụ phạm pháp hình sự, làm rõ hơn 900 đối tượng hoạt động nghi vấn phạm pháp hình sự.
Nhờ ý thức toàn dân về công tác an ninh nên nhân dân đã cảm hóa, giúp đỡ hơn 1.000 đối tượng từ bỏ các hành vi phạm pháp; ngoài ra nhân dân còn giao nộp cho lực lượng Công an, Quân sự địa phương gần 40 súng quân dụng, gần 800 súng tự chế các loại, hàng trăm viên đạn, hàng ngàn kíp nổ và vật liệu nổ khác.
Qua phong trào Quần chúng bảo vệ ANTQ cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, dũng cảm tham gia truy bắt tội phạm ở Bắc Trà My, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn...
Ở cấp cơ sở trong tỉnh Quảng Nam hiện nay có đến 81 loại mô hình với 2.366 tổ chức tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Các “Đội dân phòng”, “Tổ Tự quản về an ninh trật tự”, “Đội xe ôm tự quản”, “Đèn trong ngõ mõ trong nhà”, “Camera giám sát an ninh”...thực sự sáng tạo, phát huy tác dụng.
Phó Giám đốc, Đại tá Nguyễn Đức Dũng trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng Công an huyện Phù Ninh có thành tích trong đấu tranh chống tội phạm về ma túy. |
Để có phong trào, ngoài việc tổ chức tuyên truyền pháp luật, sáng tạo các hình thức tổ chức, Công an tỉnh Quảng Nam đã thực sự lăn lộn về phong trào, làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng; đặc biệt là xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Cho đến nay, Quảng Nam có hơn 2.200 công an xã, hơn 1.250 bảo vệ dân phố, hơn 3.800 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
“Chúng tôi hàng năm đều tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho anh chị em, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, nghiệp vụ pháp luật cho lựng lượng này. Chế độ chính sách như trang phục, phương tiện hỗ trợ đều được Công an tỉnh quan tâm, đề xuất cho anh em”, Đại tá Dũng cho biết.
Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở Quảng Nam được xác định không phải là việc riêng của ai mà cả hệ thống chính quyền vào cuộc, Công an làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phong trào hàng năm được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp thực sự đã góp phần hiệu quả vào công tác PCTP ở địa phương.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu