Tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân ở Tây Hưng (Tiên Lãng), Dương Quan (Thủy Nguyên) và một số vùng nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn thành phố khiến nhiều người nuôi thủy sản lo ngại vừa được làm rõ với phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của cơ quan thú y vùng 2. Phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục thú y Hải Phòng chung quanh vấn đề này, nhất là biện pháp khắc phục.
- Về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở một số vùng nuôi thuỷ sản trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông có khuyến cáo gì?
- Ngay sau khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, Chi cục thú y Hải Phòng lấy các mẫu bệnh phẩm từ Dương Quan (Thủy Nguyên) và Tây Hưng (Tiên Lãng) gửi Cơ quan thú y vùng 2 xét nghiệm tìm nguyên nhân. Theo đó, tác nhân gây bệnh ở cá do vi khuẩn Aeromonas.sp, đây là vi khuẩn gây bệnh lở loét ở cá. Khi nhiễm vi khuẩn này, cá bị lồi mắt, mờ đục, xuất huyết ở vây, vẩy cá bị lở loét. Vi khuẩn này xuất hiện khi nguồn nước trong các đầm nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các cán bộ thủy sản thuộc Chi cục thú y Hải Phòng, Cơ quan thú y vùng 2 và Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) đều cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến cá chết hàng loạt chính là do ô nhiễm nguồn nước, kết hợp với thời tiết nắng nóng.
Độ PH tại các ao nuôi quá cao do ô nhiễm môi trường. Ảnh: Duy Lân |
Tại các vùng nuôi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, người dân chăn nuôi vịt và lợn ngay phía trên các đầm nuôi. Nhiều hộ nuôi cho cá ăn trực tiếp phân lợn, phân vịt nên cá trắm, cá rô phi bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh, nguồn nước nuôi thủy sản tại các khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ. Khi gặp nắng nóng, cá chui xuống tầng đáy của ao nuôi tránh nóng, làm cho các chất độc sản sinh từ đáy ao như cácbonnát, CO2…bốc lên, ảnh hưởng sức khỏe của cá.
- Vậy, phải làm gì để chữa bệnh cho cá, hạn chế thiệt hại ?
- Để giúp các hộ dân phòng chữa bệnh cho cá, giảm thiệt hại do cá chết, ngay sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, Chi cục thú y và Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) hướng dẫn nông dân phác đồ điều trị bệnh cho cá. Trước hết, bà con có thể sử dụng một trong 2 cách. Cách thứ nhất: dùng vôi tẩy ao với liều lượng 2 kg/ 100 m3 nước/ lần. Hoà loãng té xuống ao nuôi 1-2 lần/ tháng. Sau đó, dùng thuốc Oxytetracyline trộn vào thức ăn cho cá với mức 55-77 mg/ kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7-10 ngày. Cách thứ hai dùng viên Vạn tiêu linh với liều lượng 0,3g/ m3, rải đều khắp ao nuôi. Sau đó, dùng kháng sinh Enrofloxacinine với liều lượng 0,5 kg thức ăn/ ngày cho cá ăn 5-7 ngày. Bà con chú ý hoà thuốc vào nước rồi trộn đều vào thức ăn để 10-20 phút trước khi cho cá ăn. Cùng với điều trị cho cá, để lứa cá nuôi tiếp không bị nhiễm bệnh, cần chú ý tẩy dọn ao trước chu kỳ nuôi, nạo vét bùn đáy, lấp hang hốc rò rỉ, mua cá giống tại các địa chỉ có uy tín. Tắm cho cá trước khi thả bằng dung dịch muối ăn pha nồng độ 2-3%. Định kỳ thay nước cho ao nuôi, không bón phân tươi xuống ao, loại bỏ thức ăn thừa trước khi cho thức ăn mới. Bà con có thể dùng thuốc tím tắm cho cá với liều lượng 0,4 g/100 lít nước, định kỳ tắm cho cá 1-2 tuần hoặc 1 lần/ tháng, tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của cá…
- Xin cảm ơn ông !
Kim Oanh thực hiện