Buýt nhanh triệu USD: Cho “khai tử” hay tồn tại? - Kỳ 3: Đừng vì 'phóng lao phải theo lao'

(PLVN) - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - TS.Khuất Việt Hùng thẳng thắn, nếu đã làm bằng mọi cách mà buýt nhanh không thực sự nhanh được thì Hà Nội nên dũng cảm dừng nó lại… 
Theo TS.Khuất Việt Hùng, BRT Hà Nội bản chất không phải là BRT
Theo TS.Khuất Việt Hùng, BRT Hà Nội bản chất không phải là BRT

Sở GTVT Hà Nội thừa nhận BRT có “khuyết điểm”

Sau khi loạt bài nói trên được đăng tải trên PLVN số ra ngày 18-19/6, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Ông Viện thừa nhận, tuyến BRT 01 là tuyến vận tải thí điểm đầu tiên của TP này nên chắc chắn còn nhiều “khuyết điểm”. “Cứ phải dần dần thì BRT mới đông khách được”, ông Viện nói.

Một lý do được vị này đưa ra để chứng tỏ ý tưởng làm tuyến BRT 01 của Hà Nội trước đó không sai là do ý thức người tham gia giao thông kém khi cả ô tô và xe máy đều lấn làn dành riêng cho BRT - khiến phương tiện này không đạt được vận tốc để có thể gọi là buýt nhanh. Tuy lập luận như vậy, nhưng khi được hỏi liệu Hà Nội có tiếp tục phát triển thêm hệ thống BRT như từng quy hoạch, thì ông Viện chỉ nói “sẽ nghiên cứu”.

Mọi việc chưa chắc chắn cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội đang dần nhận ra rằng, những cảnh báo cách đây 2 năm từ dư luận, công luận là đúng, dù tới nay chưa có bất kỳ một tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền Hà Nội? Hiện tại, chỉ thấy tuyến BRT 02 của Hà Nội đã bị dừng triển khai.

“Không chỉ Hà Nội mà cả TP HCM nữa, đến giờ này đều không dám làm thêm BRT vì bài học nhãn tiền của Dự án BRT 01”, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định.

Liên quan vấn đề trên, TS.Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia còn chỉ ra những “phản ứng phụ” của tuyến buýt triệu USD của Hà Nội khi nó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, do điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng cho xe này có một làn riêng nên tình trạng các phương tiện giao thông khác cán vạch, lấn làn diễn ra phổ biến. 

Nói về tính hiệu quả của dự án, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, tên gọi là buýt nhanh BRT nhưng thực chất lại chưa phải như vậy. Ông phân tích, đúng buýt nhanh thì tần suất phải 1 - 3 phút có một chuyến, nếu so với thực tế thì BRT của Hà Nội bây giờ cả tần suất lẫn vận tốc đều không đạt, nên bản chất không phải là BRT. “Theo tôi, nếu đã làm nhiều cách mà khách vẫn không đông lên được thì nên mạnh dạn cho thôi”, lời Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Vì sao phải bí mật doanh thu?

Theo tìm hiểu của PLVN, tuyến buýt nhanh BRT 01 của Hà Nội hiện có khoảng 35 xe, sức chứa mỗi xe 90 khách (nhỏ hơn so với BRT ở nhiều nước). Tuy nhiên, trong số 35 xe này có nhiều xe “đắp chiếu” không hoạt động, nhất là vào những ngày thấp điểm.

Tìm hiểu việc vận hành và khai thác các tài sản liên quan đến dự án, PLVN đã liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT Hà Nội).  Ông Hải cho hay, tuyến BRT 01 có trợ giá từ TP Hà Nội. Tuy nhiên, ông Hải từ chối cung cấp thông tin liên quan đến doanh thu, tổng lượng khách cũng như con số bù lỗ mỗi tháng cho tuyến vận tải này. 

“Những nội dung đó, theo quy chế, anh phải liên hệ với Văn phòng Sở GTVT Hà Nội để đặt vấn đề”, ông Hải từ chối câu hỏi của phóng viên. Ngoài ra, các thông tin khác liên quan đến quá trình vận hành và khai thác dự án, một số cá nhân có trách nhiệm ở Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tỏ ra “kín như bưng” trước đề nghị được tiếp cận từ phía PLVN.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời chưa bàn sâu tới hiệu quả kinh tế của dự án mà chỉ đề cập tới những tiêu chí cơ bản của một tuyến buýt nhanh để thấy rằng “mọi thứ gần như đều chưa thỏa mãn, nhưng giới chức Hà Nội thì vẫn đang cố gắng bảo vệ cho “sản phẩm” của mình”. Dư luận đồ rằng, việc quyết liệt triển khai bằng được dự án nói trên có thể vì một “động cơ” khác ngoài việc hóa giải “bài toán” giao thông đô thị như tuyên bố trước đó của lãnh đạo UBND TP Hà Nội?  

Vi phạm Luật Đấu thầu

“Theo Thanh tra Chính phủ, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm Khoản 2, Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, dự án này xảy ra nhiều vi phạm, lãng phí ngân sách hàng chục tỷ đồng”.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.