Sau hơn 1 năm tích cực điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố) vừa có kết luận điều tra vụ buôn lậu quặng ti-tan (khoáng sản nằm trong danh mục cấm nhập khẩu) ra nước ngoài. Trước đó, tàu Hải Đông 27 sau khi vận chuyển trái phép 3.000 tấn ngày 27-11-2009, đang trên đường trở về Việt Nam, bị Bộ đội Biên phòng Hải Phòng bắt giữ, chuyển cho cơ quan công an xử lý.
Chiều 5-11-2009, tàu Hải Đông 27 nhổ neo, hành trình từ cảng Quy Nhơn ra Quảng Ninh chở 3.000 tấn quặng ti-tan. Số hàng này sử dụng hồ sơ vận chuyển quặng trong nội địa để vượt qua các trạm kiểm soát. Tuy nhiên, khi tàu đến địa phận tỉnh Quảng Ninh, tàu Hải Đông 27 tăng tốc chở thẳng số hàng trên sang Trung Quốc bán. Ngày 12-11, tàu Hải Đông 27 vừa trở về Việt Nam thì bị Bộ đội Biên phòng Hải Phòng bắt giữ, bàn giao cho Công an thành phố tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2008, Lê Ngọc Côi, sinh năm 1960, ở số 11 Bãi Sậy, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng được Liêu Định Đông (quốc tịch Trung Quốc) thuê làm phiên dịch. Liêu Định Đông và Lê Ngọc Côi bàn nhau xây dựng một đường dây nhằm buôn lậu ti-tan từ Việt Nam ra nước ngoài. Chúng móc nối với Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Kim Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần Trình Nguyễn (tỉnh Đắc Nông), thông qua công ty này, ký hợp đồng mua quặng ti tan thô của Công ty TNHH Cô Vi (Quy Nhơn, Bình Định). Sau khi mua được 3.000 tấn quặng ti tan thô với giá hơn 2 tỷ đồng, Nguyễn Hoài Phương giao Võ Kim Hậu, một lái xe thân cận của y ở công ty thuê phương tiện và giám sát việc bốc xếp để chuyển hàng cho Liêu Định Đông. Qua một số cầu môi giới, Hậu thuê Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú (Bình Định) làm thủ tục thuê tàu Hải Đông 27 của Công ty TNHH Hải Đông (Hải Phòng), do Vũ Văn Thế, sinh năm 1964, ở số 6/30 Phương Lưu, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền làm thuyền trưởng.
Để hợp thức hóa số khoáng sản quý trên, Võ Kim Hậu yêu cầu Công ty Thiên Phú tách văn bản thuê vận chuyển thành 2 hợp đồng, gồm tuyến Quy Nhơn - Quảng Ninh và Quảng Ninh - Khâm Châu (Trung Quốc). Bằng thủ đoạn này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trung gian thực hiện hợp đồng mà không hề biết hành vi mờ ám của các đối tượng. Trong khi đó, thuyền trưởng Vũ Văn Thế cũng phớt lờ việc làm thủ tục xuất cảnh cho toàn bộ sĩ quan, thuyền viên, đồng thời khai báo gian dối với Cảng vụ và Đồn biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn về hành trình của tầu Hải Đông 27. Bên cạnh đó, Nguyễn Hoài Phương và Nguyễn Kim Bằng cấu kết với Nguyễn Thanh Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Kiên Đức (ở 210B thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội), thỏa thuận ký hợp đồng mua bán và xuất hóa đơn GTGT ghi khống với nội dung: Công ty CP Trình Nguyễn (Đắc Nông) bán cho Công ty TNHH Kiên Đức (Hà Nội) mặt hàng quặng ti tan như trên. Qua đó, hợp thức hóa việc chuyển tiền từ Liêu Định Đông qua Công ty TNHH Kiên Đức sang Công ty CP Trình Nguyễn và chuyển về địa chỉ cuối cùng là Công ty TNHH Cô Vi.
Căn cứ kết quả điều tra, Công an thành phố Hải Phòng chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát nhân dân, đề nghị truy tố Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Kim Bằng, Võ Kim Hậu, Lê Ngọc Côi tội buôn lậu và truy tố Vũ Văn Thế tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đông Phong