Lâm Đồng là một tỉnh miền núi vùng cao thuộc nam Tây Nguyên với trên 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 256.000 người, chiếm 21% dân số toàn tỉnh. Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của cả cộng đồng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã từng ngày khởi sắc. Các dự án, chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả mang lại những thay đổi lớn ở vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của từng buôn làng, của đồng bào dân tộc thiểu số. Với cố gắng của các địa phương cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí trong các buôn làng đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng phấn khởi. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh và thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm, riêng vùng đồng bào DTTS giảm mạnh từ 54% (năm 2005) xuống còn 15% vào năm 2010. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, vốn sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chỉ đạo tích cực, là một trong những tỉnh đạt kết quả cao so với toàn vùng Tây Nguyên. Cụ thể, đã giải quyết đất sản xuất gần 4.220 ha cho bà con, cấp nước sinh hoạt cho 16.000 hộ đồng bào DTTS. Giao khoán bảo vệ 306.164 ha rừng cho 7.256 hộ, trong đó có 6.184 hộ đồng bào DTTS. Thông qua việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng, bà con có thêm thu nhập bình quân 1,2-1,5 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao đời sống và ý thức bảo vệ rừng cho đồng bào. Thực hiện dự án điện Tây Nguyên, Lâm Đồng đã hoàn tất việc đầu tư trên 210 tỷ đồng để thực hiện, đã đưa vào sử dụng công trình cấp điện cho 475 thôn buôn của 116 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ dùng điện ở nông thôn đạt trên 90%, trong đó vùng DTTS đạt trên 70%. Đầu tư xây dựng 12 trung tâm cụm xã, trong đó 4 trung tâm cụm xã đã hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho việc hình thành các thị tứ,thị trấn.
Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục được nâng lên, tập trung duy trì kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đồng thời tăng cường phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các trường học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không còn cảnh tranh tre nứa lá và học ba ca. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số được chú trọng. Hàng năm, tỉnh dành ngân sách địa phương hỗ trợ con em đồng bào DTTS đang theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đằng, đại học (đến hết tháng 12/2009 đã hỗ trợ trên 11.255 triệu đồng cho 12.613 lượt sinh viên, học sinh theo học). Công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ. 100% số xã có trạm y tế, 100% thôn, buôn có nhân viên y tế, 70% số xã có bác sĩ. Việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; kịp thời khống chế và đẩy lùi các loại dịch bệnh nguy hiểm. Văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của các dân tộc thiểu số (văn hóa cồng chiêng, sử thi...) được chú ý khôi phục và phát triển (toàn tỉnh có 239 đội cồng chiêng). 100% số xã được phủ sóng phát thanh, trên 93% phủ sóng truyền hình, hàng tuần đều phát tiếng K’Ho và Chu Ru.
Tuy vẫn còn hạn chế song nguồn đầu tư lớn, liên tục và toàn diện đã tạo nên sự chuyển biến khởi sắc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Nhờ đầu tư phát triển đồng bộ, nhiều xã đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành những vùng nông thôn trù phú như Đạ Đờn (Lâm Hà), Tân Thượng (Di Linh)..., một số xã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thuộc diện giàu, thu nhập bình quân từ 300 – 500 triệu đồng/ năm.
Đổi thay lớn nhất của các buôn làng, theo đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng là sự chuyển biến về nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tư tưởng của bà con vững vàng, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Từ chỗ du canh du cư, quảng canh, đồng bào đã định canh định cư, thâm canh nâng cao năng suất; từ sản xuất tự cung tự cấp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa. Trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.
Có nhiều yếu tố để vùng sâu, vùng xa, các buôn làng đổi thay nhưng có thể khẳng định Nghị quyết 10 - NQ -TW “về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” thật sự là bệ phóng cho sự đổi mới phát triển mạnh mẽ của đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng.
Hồ Lan