Tạo thuận lợi cho người dân
Theo đó, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Cụ thể, đối với người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an tỉnh nơi thuận lợi, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn.
Đối với người có căn cước công dân, có quyền lựa chọn nơi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc bất kỳ Công an tỉnh nào người dân thấy thuận lợi. Hộ chiếu được cấp riêng cho từng người, không còn cấp hộ chiếu cho trẻ em chung với hộ chiếu của cha hoặc mẹ.
Luật quy định thời hạn sử dụng của hộ chiếu phổ thông không thay đổi so với trước đây, cụ thể: Hộ chiếu cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không gia hạn; Hộ chiếu cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn.
Hộ chiếu có 2 loại: có gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử. Việc đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử làm tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (được nhanh chóng, chính xác do áp dụng kiểm soát hộ chiếu điện tử bằng cổng kiểm soát tự động - autogate). Trẻ em dưới 14 tuổi chỉ cấp hộ chiếu không gắn chip điện tử.
Cấp hộ chiếu phổ thông ngắn hạn (không quá 12 tháng) theo thủ tục rút gọn thay cho việc cấp giấy thông hành của công dân ở nước ngoài về nước, thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp và không phát sinh thêm mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh. Giấy tờ xuất nhập cảnh chỉ gồm 4 loại: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Giấy thông hành.
Đột phá về cải cách hành chính
Tương tự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019 được đánh giá mang tính cải cách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài.
Theo đó, thủ tục cấp thị thực điện tử là một bước đột phá về cải cách hành chính trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh đã được Bộ Công an thực hiện thí điểm từ ngày 1/2/2017 đến nay. Qua đó cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh cho người nước ngoài và cá nhân người nước ngoài được lựa chọn gửi văn bản đề nghị cấp thị thực và nhận kết quả trả lời qua giao dịch điện tử tại cổng thông tin điện tử về nhập xuất cảnh nếu đủ điều kiện quy định; Sửa đổi quy định cấp thị thực và thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư (ký hiệu ĐT trước đây), trong đó nâng thời hạn thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 10 năm.
Luật sửa đổi theo hướng tăng cường cải cách hành chính, cho phép chuyển đổi mục đích nhập cảnh đối với một số trường hợp người nước ngoài nhập cảnh thăm thân, du lịch, nhập cảnh diện miễn thị thực; lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, nhà đầu tư... Cụ thể những trường hợp được chuyển đổi mục đích nhập cảnh như sau:
- Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh.
- Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định về pháp luật về lao động.
- Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định về pháp luật về lao động.
Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định theo hướng mở, thông thoáng về giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu và cấp các loại giấy tờ cư trú đối với người nước ngoài; phân định rõ diện đối tượng người nước ngoài được cấp các loại giấy tờ xuất nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam tạo thuận lợi cho khách nước ngoài và công tác quản lý của Nhà nước :
- Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực (trước đây quy định không quá 12 tháng đối với thị thực có giá trị trên 12 tháng).
- Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực, cấp tạm trú 15 ngày (bỏ quy định xuất cảnh sau 30 ngày mới được tái nhập).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực và thẻ tạm trú khác đối với lao động nước ngoài và người nước ngoài:
+ LĐ1: thị thực và thẻ cấp cho người nước ngoài (NNN) có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (thời hạn không quá 2 năm).
+ LĐ2: thị thực và thẻ cấp cho người nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động (thời hạn không quá 2 năm).
+ DN1: thị thực cấp cho NNN làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Việt Nam.
+ DN2: thị thực cấp cho NNN vào chào bán dịch vụ, thành lập hiện diện thương mại, thực hiện các hoạt động khác theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Cơ quan Việt Nam nào mời cơ quan đó làm thủ tục bảo lãnh cấp Visa).
+ Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, DH không quá 5 năm.
+ Thẻ tạm trú ký hiệu NN1, NN2, TT không quá 3 năm.
+ Thẻ tạm trú ký hiệu PV không quá 2 năm.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong Quy định việc xây dựng, cập nhật, kết nối, khai thác và chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.