Việc xét xử ông Đinh La Thăng – một quan chức cao cấp nhất từ trước đến nay, đồng thời xung quanh ông còn có nhiều thứ để quan tâm cho thấy “mức nóng” của một phiên tòa.
Dư luận nhân dân rất ủng hộ việc xử lý sai phạm của ông Đinh La Thăng và các cán bộ sai phạm, gây ra những thiệt hại to lớn cho PVN và đất nước. Việc ông Đinh La Thăng, cán bộ cao cấp nhất cho đến hiện nay có vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chính là bước đột phá trong xử lý kỷ luật của Đảng hiện nay, không ngoại trừ bất kỳ trường hợp nào. Chúng ta đã vượt qua tâm lý e ngại, nể nang, né tránh và tạo tiền lệ rất tốt sau này.
Việc khởi tố, truy tố, xét xử ông Đinh La Thăng còn thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả “vùng cấm” trong xử lý cán bộ có sai phạm, củng cố niềm tin của nhân dân. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn nữa trong thời gian tới, thể hiện sự nghiêm túc của Đảng trong quá trình làm trong sạch bộ máy.
Đây cũng là một bước tiến của giá trị cuộc sống, trong đó có giá trị “thượng tôn luật pháp”.
Việc phiên toà xử ông Đinh La Thăng vào hôm nay còn có một điều đáng quan tâm: không có vành móng ngựa (áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018). Theo đó, thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa.
Việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.
Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc “Suy đoán vô tội “ và “Giả định phạm tội” được tôn trọng. Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam thì “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án”. Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại Điều 13 với tên gọi mới là “Nguyên tắc suy doán vô tội”.
Chỉ vấn đề “bỏ vành móng ngựa” nhưng đây là một cuộc “cách mạng” trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc này sẽ đảm bảo được việc xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có ý nghĩa trong việc phòng ngừa tội phạm cũng như răn đe tội phạm, bảo vệ được các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ.
Rõ ràng, chúng ta đã có những bước chuyển về nhận thức, tiếp cận các giá trị phổ quát của văn minh nhân loại trong các hoạt động cụ thể, lĩnh vực cụ thể. Đây thực sự là điều đáng mừng.