Trong năm 2022, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện các giải pháp toàn diện để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc trọng điểm; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; rút ngắn thời gian thi hành án; giảm thiểu vi phạm trong hoạt động THADS.
Tính đến 30/09/2022, toàn tỉnh về việc đạt 86,2% (tăng 2,22% so với năm 2021). Vượt 4,2% so với chỉ tiêu Tổng cục tăng giao (82%); về tiền, thi hành án xong là hơn 817 tỷ đồng, tăng hơn 362 tỷ đồng (tăng 79,65%) so với năm 2021; đạt tỷ lệ 61% (tăng 14,24%) so với năm 2021. Vượt 19,4% so với chỉ tiêu Tổng cục giao (là 41,6%).
Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 30/9/2022, trong phạm vi toàn tỉnh với số lượng việc/tiền phải thi hành án là 689 việc, tương đương với số tiền là hơn 1.950 tỷ đồng (chiếm 4,3% về việc và 75,8% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành). Tăng 56% việc (tăng 8,8%), tăng hơn 301 tỷ đồng (tăng 18,3%) so với cùng kỳ năm 2021. Đã thi hành án xong 172 việc, tương ứng với số tiền là hơn 448 tỷ đồng, đạt 40,76% về việc và 60,41% về tiền. Tăng 10,47% về việc và 33,07% về tiền so với cùng năm 2021.
Ông Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có được kết quả trên là cả sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của toàn ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Cục THADS tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm công tác. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ xử lý nợ xấu trong thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tập trung nguồn lực để giải quyết từng vụ việc cụ thể, kịp thời nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Giám sát chặt chẽ việc thẩm định, đấu giá tài sản kê biên theo thẩm quyền”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác THADS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chuyên môn nghiệp vụ; một số cơ quan THADS địa phương chưa phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong việc giải quyết các vụ án tồn đọng; một số cấp ủy chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo công tác phối hợp giải quyết các vụ việc THADS, hành chính; thiếu biên chế.
Các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng còn có tỷ lệ lớn, nhiều vụ việc có diễn biến phức tạp, xử lý tài sản khó khăn, chậm tiến độ. Nhiều tài sản kê biên đã được giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá.
Ngoài ra, thành viên Ban chỉ đạo THADS giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, ban, ngành hoạt động với chế độ kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian dành cho công tác THADS nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thi hành án.
Trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Cục THADS Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý, chủ động để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời và phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm quản lý “hướng về cơ sở”, thực sự sâu sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho CHV, cán bộ, công chức và các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống các cơ quan THADS trong tỉnh…
Tiếp tục tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện, không để tồn đọng kéo dài, các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt là những vụ việc, vụ án dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản cho nhà nước.
Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo THADS tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng thi hành án.