Đến khi xem vở diễn “Cánh đồng bất tận” mà chị chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư và dàn dựng cho Sân khấu 5 B Võ Văn Tần, tôi thấy cô Phúc nói đúng. Theo cảm nhận của tôi, sự cảm thụ văn học và nắm bắt tâm lý khán giả là chìa khóa thành công của Minh Nguyệt đối với vở kịch này.
Gặp chị khi tâm tư còn lắng đọng dư âm của “ Cánh đồng bất tận”, tôi có dịp hiểu chị rõ hơn chung quanh vở diễn này cũng như những chia sẻ nghề nghiệp của chị.
- “Cánh đồng bất tận” là truyện hay. Hay và khó nữa, bởi không gian câu chuyện vốn nhiều tầng chuyển động và cũng lắm sắc màu. Khả năng xử lý không gian, khả năng “làm hiện ra” điều mà “nhà văn viết ra” của chị khiến người xem vở kịch ngỡ như đang được thưởng thức một videoclip đặc sệt văn hóa miền Tây
- Mỗi vở diễn cần một không gian sân khấu khác nhau. Với “Cánh đồng bất tận”, Ngọc Tư đã cho tôi quá nhiều chất liệu. Tôi cần phải tạo ra những tín hiệu văn hóa vùng miền theo đúng tinh thần tác phẩm. Bắt đầu là những chiếc ghe chứa đầy hoa trái, những ổ gà, ổ vịt phía sảnh ngoài nhà hát thành phố. Tiếp đó là dòng sông trôi qua trước cửa nhà, là người đàn bà nhẹ dạ hồn nhiên rực lên qua lớp vải đỏ trong nhịp chòng chành của chiếc ghe đậu sát. Là làn khói mảnh và nhẹ bay lên từ bếp lửa hồng ở bên có mâm cơm đạm bạc… Rồi một chiếc ghe nữa khúc giữa tõe ra như sự tan vỡ của một gia đình. Tôi trân trọng đến từng chi tiết của Ngọc Tư, để tạo ra cái phông nền cho tất cả số phận, cá tính các nhân vật bộc lộ.
- Nghệ thuật cách điệu khi xử lý không gian mang đến cho “ Cánh đồng bất tận” một sân khấu sống động, cả khi những cánh bướm bay về trong giấc mơ bé Điền nhớ mẹ hiện ra ngập tràn phòng khán giả cũng đầy chất thơ. Chị làm thế nào để có được sự sinh động lôi cuốn này?
-Tôi nhờ đến sự trợ giúp của máy chiếu hình ảnh cùng với xử lý ánh sáng. Và đó là sự đầu tư đúng đắn. Nó hỗ trợ tôi, giúp người xem rõ hơn diễn biến tâm trạng của nhân vật. Không chỉ thấy xót xa, thương cho Điền từ khi mẹ bỏ đi, người xem còn thấy được cơn tức giận của Út Vũ (bố của Điền) kể cả khi ông ta đốt nhà. Lửa bùng lên y như thật từ sân khấu loang cả hai bên phòng khán giả.
- Còn cái kết của vở diễn, Nương không bị làm nhục trên cánh đồng quê nhà trước sự đau đớn tột cùng và bất lực của người cha? Nó không giống như trong truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Tư ?
-Tôi được hoan nghênh vì điều đó ngay cả khi trao đổi với Ngọc Tư. Theo suy nghĩ của tôi, vở diễn cần khơi thêm phần sáng của nhân vật. Mỗi con người phải tự chịu trách nhiệm trước việc làm của mình, không thể “ đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Do vậy, khác với truyện của Ngọc Tư, tôi xây dựng nhân vật Nương là cô bé tháo vát, tự tin, mạnh mẽ, chứ không nhút nhát bị động như người anh tên Điền. Tôi để Nương học võ. Và chính miếng võ giúp cô bảo vệ thân thể, bảo vệ sự sống của mình. Hình ảnh này tôi để cho người cha nhìn thấy trước khi ông ta chết. Tôi muốn ông ta phải trở lại làm người, phải nhìn thấy những tia sáng trên nền nhỏ nhen, tăm tối.
- Chị hãy nói đôi điều về dàn diễn viên?
- “Cánh đồng bất tận” là câu chuyện buồn về những số phận bị đày ải bởi hận thù từ một người cha. Ông ta hận đàn bà, bởi vợ ông ta bỏ đi theo người khác, nên hành xử với người khác theo cái cách cũng chất chồng thù hận… Nhưng từ chỗ le lói, những tia sáng ấm áp cứ dần sáng bừng lên theo từng lớp kịch mà điểm tựa chính là khát vọng muốn yêu thương và được yêu thương, được che chở từ Sương- cô gái điếm. “Hãy lấy yêu thương hóa giải hận thù, hãy thấy bên trong sự trần trụi, tôi luôn nhói lên con tim mình trước nỗi đau của người khác”. Đó là thông điệp từ vở diễn “Cánh đồng đồng bất tận” mà muốn họ kể lại không phải bằng sự gào thét mà bằng lối diễn tinh tế, dung dị. Thanh Thủy, Cát Phượng, Khánh Hoàng làm được điều ấy. Đó cũng là các nghệ sĩ đã cùng tôi đáp ứng đúng tâm lý người xem, kể cả người đã đọc và chưa đọc “ Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Thị Ngọc Tư.
- Đầu năm mới, chị vui lòng chia sẻ chút kinh nghiệm nghề nghiệp với các nghệ sĩ kịch nói Hải Phòng và miền Bắc?
- Kịch nói phía Nam sôi động như hôm nay ngoài chủ trương xã hội hoá của Nhà nước, còn có sự ảnh hưởng lớn từ kịch phía Bắc. Trong suy nghĩ của tôi, dàn dựng những vở mà kịch bản do mình viết hay chuyển thể đều luôn là những thử thách. Nhưng với kịch bản chuyển thể, sự thử thách ấy cao hơn. Bởi lúc đó, người chuyển thể với vai trò “người sáng tạo thứ hai” không những chỉ giữ được tinh thần tác phẩm mà còn phải làm cho nó hay hơn. Tôi sẽ luôn cố gắng hết mình cùng các anh chị em nghệ sĩ hai miền đóng góp nhiều hơn những vở diễn hay. Hy vọng một ngày gần đây, “Cánh đồng bất tận” được đến với khán giả thành phố Cảng và thủ đô Hà Nội.
- Xin cảm ơn đạo diễn Minh Nguyệt.
Anh Thơ thực hiện