Trong khi việc làm đất gieo cấy lúa vụ mùa ở những cánh đồng lân cận khẩn trương, gần 3 mẫu ruộng ở khu ruộng bãi, xóm Chùa thôn Phạm Dùng, xã An Hồng (An Dương) vẫn trơ những gốc rạ, những cây lúa “trẻ mãi không già” từ vụ trước. Bà Phạm Thị Xuyến, bí thư chi bộ thôn cho biết, người dân có ruộng ở khu vực này không mấy thiết tha với việc canh tác bởi tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ nước thải của nhà máy giấy thuộc đất của Công ty cân Long Thành.
Lúa lép rau không bán được
Mấy vụ gần đây, gia đình chị Lê Thị Xuân tính bỏ ruộng không cấy. Chị Xuân thở dài ngao ngán nói về đồng áng, bị ô nhiễm từ nước thải của nhà máy giấy, nước trong ruộng sủi bọt, sặc mùi. Mỗi khi làm đồng về, người bị nổi mẩn. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, canh tác mà thu hoạch chẳng bao nhiêu. Vụ vừa rồi, 1 sào ruộng chỉ thu gần 50kg thóc, cấy chẳng bõ công. Để cấy một sào ruộng chi ít nhất 450.000 đồng, nếu thu hoạch được 1 tạ/sào thì thu về khoảng 500.000 đồng (chưa trừ chi phí). Với 14 thước ruộng bãi, chị Lê Thị Huyền cũng thu hoạch 1 thúng thóc (khoảng 15kg). Chị Huyền cho biết, từ năm 2007 tới giờ (khi nhà máy đi vào sản xuất) cũng là lúc năng suất lúa giảm hẳn. Lúa cấy không trỗ bông, nếu trỗ, hạt thóc lép. Còn rau, trồng thì bán không ai mua. Nhiều hộ vật đất lên trồng chuối, nhưng không biết có lớn nổi hay không. Bà Xuyến băn khoăn, diện tích canh tác của người dân trong thôn ngày càng thu hẹp vì các dự án. Mỗi vụ, bộ thôn lại đi từng nhà động viên tiếp tục canh tác. Nhưng mấy năm nay tình trạng ô nhiễm này chưa được giải quyết, người dân không thiết tha với sản xuất.
Gần 3 mẫu ruộng ở khu bãi có nguy cơ bị bỏ hoang vì nước thải của nhà máy sản xuất giấy thuộc công ty cân Long Thành. |
Theo phản ánh của các hộ dân trong khu vực, năm 2007, nhà máy bắt đầu hoạt động, hệ thống nước thải của nhà máy được đặt chảy ra sông. Tuy nhiên, mỗi khi nước lên, nước thải của nhà máy theo nước sông tràn ngược vào hệ thống kênh, mương của khu vực. Nước đen đặc, sặc mùi lưu huỳnh. Quá bức xúc, không ít lần người dân vây cổng nhà máy. Trước tình trạng này, nhà máy hứa đền bù thiệt hại cho người dân. Có một năm, người dân được đền bù thiệt hại nhưng chỉ mấy trăm nghìn đồng 1 sào. Tình trạng xả nước thải vẫn tiếp diễn đến bây giờ.
Cơ sở gây ô nhiễm lẩn tránh, hứa hão
Nguy cơ bỏ ruộng thấy rõ, nhưng với người dân thôn Phạm Dùng, nỗi lo khí thải và bụi từ các nhà máy luyện gang thép Vạn Lợi còn lớn hơn.
Ngày 17, 18-6 -2010, bầu không khí trong thôn khá căng thẳng khi nhà máy luyện gang của công ty này đi vào hoạt động. Bà Xuyến kể tối 17-6, nhà máy luyện gang của công ty xả bụi trực tiếp ra môi trường, bụi than bao trùm cả thôn. Trước sự cố này, người dân kéo đến nhà chủ tịch UBND xã phản ánh. Nhờ sự tham gia kịp thời của chính quyền địa phương tình hình ô nhiễm, bụi bớt phần nào. Song ô nhiễm tiếng ồn và bụi từ hoạt động của nhà máy luyện thép, hơn 3-4 năm nay thì người dân trong thôn vẫn từng ngày, từng giờ phải chịu đựng.
16 giờ chiều, xóm Chùa như bao bọc bởi lớp sương mỏng. Ông Lê Văn Toán cho biết, đấy là khí thải từ nhà máy luyện thép. Nhiều lúc, mọi người phải đóng kín cửa ở trong nhà. Tuy đại diện nhà máy hứa sẽ khắc phục, nhưng cứ vào khoảng 12 giờ đêm nhà máy vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Hơn 2 năm nay, người dân trong thôn không dám dùng nước mưa, nước giếng khoan. Chị Huyền đang bức xúc về ruộng cấy bị ô nhiễm cũng phản ánh thêm tình trạng bụi mà người dân trong làng phải chịu đựng. Có lần người dân bức xúc quá đập vỡ ô cửa kính phía ngoài công ty. Không ít lần phía công ty hứa thực hiện nhưng chỉ được thời gian đâu lại đóng đấy. Ông Lê Hồng Quân, trưởng thôn Phạm Dùng, phản ánh, trước tình trạng này, không ít gia đình có trẻ nhỏ phải đưa đi gửi nơi khác, không ít người mắc bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết, xảy ra sự cố ngày 17, 18-6 vừa qua là do lò cao của nhà máy sản xuất gang Vạn Lợi bắt đầu đi vào hoạt động. Nhận được thông tin của người dân, chính quyền địa phương lập biên bản và mời đại diện nhà máy tới làm việc. Đại diện nhà máy xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm. Còn việc xả thải của nhà máy sản xuất giấy tại công ty cân Long Thành, địa phương không ít lần làm việc và yêu cầu công ty bảo đảm môi trường, gọi điện cho phòng cảnh sát môi trường công an thành phố. Không ít lần công ty hứa nhưng trên thực tế vẫn ảnh hưởng tới sản xuất của bà con.
Chính quyền địa phương kiên quyết, song các doanh nghiệp liên tục tái phạm. Đã đến lúc các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc giúp đỡ địa phương, người dân thoát khỏi tình cảnh ô nhiễm môi trường../.