Sau hơn 20 năm, thủ tục mua bán nhà để xuất cảnh giữa bà Lê Thị Liên đang định cư nước ngòai với Cty Du lịch phục vụ dầu khí (nay là Cty TNHH MTV du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam - OSC Việt Nam) bị lật ngược bằng một vụ kiện mà phán quyết của hai cấp toà đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Mua bán hay cho mượn nhà?
Căn nhà 143 Nguyễn Văn Trỗi (Nhà 143, trước là Nam Kỳ Khởi Nghĩa ), phường 11, quận Phú Nhuận, thuộc sở hữu của vợ chồng ông Châu Văn Được và bà Lê Thị Liên. Năm 1984, ông Được đi biểu diễn nghệ thuật rồi ở lại Tây Đức. Bà Liên xin bán nhà để xuất cảnh theo chồng định cư ở nước ngoài và OSC Việt Nam đã mua nhà 143, thanh toán đủ tiền cho bà Liên. Đến ngày xuất cảnh, thủ tục mua bán vẫn chưa xong nên bà Liên ủy quyền cho anh trai là ông Lê Mộng Ngọc tiếp tục thực hiện và chờ UBND TPHCM giải quyết.
Căn nhà 143 Nguyễn Văn Trỗi TP.Hồ Chí Minh. |
Theo Biên bản bàn giao ngày 2/7/1986 giữa Cty quản lý nhà và bộ phận mua bán nhà xuất cảnh của Sở Nhà đất (Sở NĐ) TP HCM, hồ sơ thể hiện bà Liên đã bán nhà 143 cho OSC qua Văn tự bán nhà ngày 20/11/1985 có chữ ký của bà Liên và xác nhận của UBND phường 11, quận Phú Nhuận, các Biên lai thu tiền, công văn của OSC đề nghị được mua nhà...
OSC thanh toán tiền mua nhà có biên nhận tay do bà Liên ký nhận theo từng đợt trả tiền, với nội dung ghi rõ việc mua bán nhà, giao nhận tiền đợt thứ mấy và kết quả giám định chữ ký là của bà Liên. Tại Công văn số 19 ngày 19/3/1988, OSC giải trình với Sở NĐ về giá mua nhà như sau: Gíá thỏa thuận giữa cty và chủ nhà là 660.000 đồng, OSC đã thanh toán nhiều đợt với tổng số 729.688 đồng cho bà Liên ký nhận (có chứng từ), trong đó có cả tiền OSC trả thêm cho chủ nhà do thị trường biến động.
Ngày 21/5/86, Sở NĐ đã để bà Liên khai trình nhà và được phép xuất cảnh sang Pháp vào ngày 22/5/86. Bà Liên đã giao cho Sở NĐ giấy tờ sở hữu nhà cùng tài liệu mua bán với OSC và làm giấy ủy quyền cho anh trai là ông Ngọc tiếp tục thực hiện bán nhà.
Trong Đơn xin ủy quyền cho ông Ngọc, bà Liên viết “Tháng 12/1985, tôi có làm đơn bán nhà số 143 cho Cty quản lý nhà để xuất cảnh, trong khi đó nhà tôi có Cty du lịch phục vụ dầu khí mượn để sử dụng và đơn vị này đã được Chủ tịch Ủy ban duyệt cho phép mua căn nhà của tôi, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn tất thủ tục mua nhà…”, nhằm để ông Ngọc thay mặt bà Liên ký các giấy tờ cần thiết tại Sở NĐ để chuyển quyền sở hữu cho OSC, đồng thời cũng để chứng minh với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh rằng bà không còn sở hữu nhà đất tại Việt Nam tại thời điểm xuất cảnh theo quy định lúc bấy giờ. Tất nhiên, giấy ủy quyền này chỉ một mình bà Liên ký và không có cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận.
Do vậy, việc mua bán nhà giữa bà Liên và OSC đã xong và đặt Sở NĐ vào “việc đã rồi”. Tại Công văn số 191/7 ngày 21/4/1988, Sở NĐ cho rằng: “Trong thời gian làm thủ tục mua bán nhà thì bà Liên xuất cảnh và nhận tiền trực tiếp với Cty du lịch phục vụ dầu khí. Cty này đã tùy tiện trả tiền cho bà Liên khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng (Sở NĐ) và hiện đang sử dụng căn nhà trên. Đề nghị Thường trực UBND TP HCM giải quyết: Thu hồi quản lý nhà nước nhà số 143; Chấp thuận cho Cty du lịch phục vụ dầu khí ký hợp đồng thuê lại”.
Và phán quyết của Toà
Trong việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Liên, ông Được buộc OSC phải trả cho vợ chồng bà Liên 75.183.000.000 đồng (định giá năm 2008), tại Bản án sơ thẩm số 1860/2010 ngày 29/11/2010 của TAND TP.HCM và Bản án phúc thẩm số 164/2011 ngày 17/6/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM có chung nhận định như sau: Nhà 143 thuộc quyền sở hữu của ông Được và bà Liên, là tài sản chung vợ chồng. Ông Được không bán nhà cho OSC vì đang ở nước ngoài, còn bà Liên giao nhà cho OSC mượn sử dụng. Bà Liên có ủy quyền cho ông Ngọc làm thủ tục bán nhà cho Nhà nước, nhưng việc mua bán chưa được thực hiện. Hơn nữa, OSC mua nhà là vi phạm pháp luật nên không có việc mua bán nhà như OSC nêu ra.
Thế nhưng, thực tế giao dịch giữa bà Liên với OSC thông qua Sở NĐ đã khiến lập luận trên chỉ là suy diễn, sai sự thực. Theo Chỉ Thị số 33 ngày 6/8/1984 của Chủ tịch UBND TP HCM, người xuất cảnh định cư nước ngoài phải bán nhà cho Sở NĐ hoặc ủy quyền cho người thân tiếp tục quản lý sử dụng nhà đất của mình. Theo đó, bà Liên sẽ phải bán căn nhà cho Sở NĐ và phải nộp ½ căn nhà, phần tiền của ông Được cho Nhà nước quản lý.
Tại Công văn số 191/7 ngày 21/4/1988 của Sở NĐ về việc giải quyết nhà 143 nêu: “Sở NĐ nhận được bút phê của Đ/c Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND TP ngày 19/011986 chấp thuận cho bà Liên được bán nhà không phải nộp ½ vắng cộng đồng sở hữu…”. Như vậy, bà Liên được phép bán toàn bộ căn nhà, không phải nộp lại ½ vắng cộng đồng sở hữu.
Có thể nói, lúc đó việc bà Liên bán nhà để xuất cảnh được thực hiện theo quy định pháp luật, không hoàn toàn do chủ sở hữu định đoạt. Do vậy, Tòa án đã sai lầm khi cho rằng bà Liên bán nhà mà không có sự đồng ý của ông Được vì ông Được đang ở nước ngoài.
Toàn bộ hồ sơ nhà của bà Liên (số 141/VP ngày 11/6/1993 hiện lưu trữ tại Chi cục lưu trữ - Sở Nội vụ TP.HCM) là các tài liệu pháp lý về việc mua bán nhà, các chứng từ OSC trả tiền đều có chữ ký của bà Liên… là tài liệu trong hồ sơ nhà của bà Liên, được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền và bản sao có chứng thực của Công chứng Nhà nước.... Đây là các tài liệu trong hồ sơ của bà Liên, nhưng Tòa án cho rằng OSC không có bản chính, chỉ có bản sao nên không công nhận là sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá chứng cứ và trái với Khoản 1 Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.
Kết quả xác minh và theo đề nghị tại Công văn số 3058 ngày 20/4/1993 của Sở NĐ, UBND TP đã có Văn bản số 414 ngày 11/6/1993 “Chấp thuận hợp thức hóa việc mua bán nhà 143 của Cty du lịch phục vụ dầu khí Việt Nam, thực tế đã xảy ra từ năm 1986 với bà Liên. Cty du lịch phục vụ dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà nói trên”. Do vậy, việc bà Liên ủy quyền cho ông Ngọc làm thủ tục mua bán nhà với Sở NĐ không còn giá trị vì UBND TP đồng ý cho OSC hợp thức hóa việc mua nhà. Tòa án nhận định OSC mua nhà là vi phạm pháp luật nên không có việc mua nhà là suy diễn, không phù hợp với diễn biến sự việc.
Có thể nói, sai lầm của hai bản án đã gây ra hậu quả là tòan bộ số tiền OSC mua nhà, gấp nhiều lần giá nhà quy định tại thời điểm mua bán đã không được đánh giá đúng và buộc OSC phải trả cho ông Được, bà Liên hơn 75 tỷ đồng là vô lý.
Vấn đề đặt ra là việc lật lại thủ tục mua bán nhà nói trên sau 20 năm và việc bỏ qua thực tế với những tài liệu chứng cứ hợp pháp cùng những nhận định sai lầm của hai cấp Tòa án có liên quan với nhau không?. Và người lật lại vụ việc là ai, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm làm rõ.
Bộ Văn hoá,Thể thao&Du lịch đã có công văn gửi TANDTC và VKSNDTC yêu cầu xem xét lại hai bản án trên. Ngày 8/9/2011, Chánh án TANDTC có Công văn số 261 yêu cầu Cục trưởng Thi hành án dân sự TP. HCM có quyết định hoãn thi hành án bản án phúc thẩm nói trên. |
Nguyễn Đình Bích