Brexit : Viễn cảnh nước Anh thiếu hụt từ nhu yếu phẩm đến lao động

 Một người phản đối Brexit đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh
Một người phản đối Brexit đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh
(PLO) - Anh Quốc đứng trước nguy cơ thiếu lương thực thuốc men và xăng dầu, một kịch bản khó tin trong thời bình, nhưng lại rất có thể xảy ra, nếu Luân Đôn không đạt được đồng thuận với Liên hiệp châu Âu về thủ tục "ly dị", Brexit. 

Tám tháng trước khi Anh Quốc chính thức ra khỏi EU, một số dấu hiệu báo trước đây sẽ là một cuộc chia tay không êm thắm với rất nhiều hậu quả tai hại về mặt kinh tế. Bộ trưởng Thương mại, Liam Fox, ngày 05/08/2018 đánh giá hiện thời rủi ro Luân Đôn –Bruxelles không đạt được đồng thuận về thủ tục Brexit là "60-40". 

Đang nghỉ hè, thủ tướng Theresa May từ Ý sang Brégançon, miền nam nước Pháp để gặp tổng thống Macron, hy vọng tìm được một điểm tựa tránh để xảy ra kịch bản xấu nhất. Trong vòng một tuần lễ nhiều thành viên trong nội các Anh đã liên tục vận động các đối tác châu Âu, hy vọng 27 nước trong EU chấp thuận lộ trình Brexit được thủ tướng May công bố hôm 12/07/2018. Văn bản này đã bị đại diện châu Âu đàm phán về hồ sơ Brexit với Anh Quốc là ông Michel Barnier chỉ trích gay gắt. 

Viễn cảnh không kịp thời gian chuẩn bị 

Đôi bên còn bất đồng về những điểm nào và tại sao viễn cảnh nước Anh ra khỏi EU mà không đạt được một đồng thuận với Bruxelles về thủ tục chia tay là kịch bản tai hại? 

Hai điểm bất đồng chính trong tiến trình thương lượng để nước Anh ra khỏi EU bao gồm thứ nhất là đường biên giới giữa Bắc Ailen - thuộc về vương quốc Anh, và nước Cộng hòa Ailen . Phía Bruxelles muốn duy trì Bắc Ailen trong liên minh thuế quan với EU sau Brexit. Ngược lại Luân Đôn biết rằng, sớm muộn gì nước Anh cũng phải rời khỏi liên minh thuế quan, rời khỏi thị trường chung châu Âu.

Cho nên việc duy trì Bắc Ailen trong vòng ảnh hưởng của EU xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Anh Quốc. Nghiêm trọng hơn nữa là viễn cảnh lại mọc lên một đường biên giới giữa hai miền Nam và Bắc Ailen.  

Cái gai thứ hai trong đàm phán về Brexit liên quan đến nguyên tắc bất di bất dịch của EU về tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và quyền tự do đi lại của các công dân. Sách Trắng về Brexit của thủ tướng Theresa May dự trù "thành lập một vùng tự do mậu dịch cho hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp" giữa EU và Anh Quốc. Bruxelles tiếc là kế hoạch Brexit của bà May đã bỏ quên ba vế còn lại. 

Trong điều kiện đó, đôi bên cùng nói tới viễn cảnh "No Deal" tức là chia tay mà không đạt được một thỏa thuận. Trong trường hợp này, Anh sẽ phải ra khỏi liên minh thuế quan với châu Âu và ra khỏi thị trường chung châu Âu ngay từ ngày 30/03/2019.

Như vậy hàng của Anh bán cho EU sẽ bị đánh thuế cao hơn, phải thông qua rất nhiều thủ tục quan thuế rườm rà. Tương tự như vậy hàng từ châu lục bán sang Anh Quốc cũng sẽ mất nhiều thời gian ở các trạm hải quan trước khi đến được tay người tiêu dùng. 

Viễn cảnh thiếu hụt thức ăn, thuốc men

Nếu lâm vào cảnh khan hiếm và thậm chí là thiếu hụt nhu yếu phẩm, Anh Quốc thiếu gì trước tiên? Một bài báo nước ngoài trả lời:

“Chủ yếu là trong lĩnh vực thuốc men, mà nhất là thuốc insulin chống bệnh tiểu đường. Chỉ riêng loại thuốc này, cần biết rằng tại Anh, có ba triệu rưỡi người bị tiểu đường, trong đó có thủ tướng Theresa May. Số này cần thuốc insulin mỗi ngày. Giải pháp tốt nhất là nước Anh tự sản xuất được mặt hàng này, nhưng mở một nhà máy dược phẩm đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài insulin, trong tương lai nước Anh thiếu nhiều sản phẩm cần thiết khác trong ngành y khoa, chẳng hạn như thiếu vacxin, huyết thanh và kể cả một số thức ăn đặc biệt cho bệnh nhân". 

Giám đốc hiệp hội các tập đoàn dược phẩm Anh, Mike Thompson cho biết, các công ty trong ngành đã bắt đầu tích trữ thuốc, đề phòng do Brexit, các loại thuốc mua của EU không đến kịp tay bệnh nhân.

Theo thống kê của Cơ quan Đặc trách về Thuốc của EU trụ sở tại Luân Đôn, hiện có 108 loại thuốc sản xuất tại Anh. Hơn 2.600 loại thuốc khác trong quá trình sản xuất cần đến các hãng dược phẩm Anh. Hàng tháng, có 42 triệu hộp thuốc sản xuất tại châu lục được xuất khẩu sang thị trường Anh và trong chiều ngược lại thì cũng có 37 triệu hộp thuốc phải xuyên qua biển Manche để đến tay người tiêu dùng châu Âu. 

Lương thực thực phẩm cũng là một cấp bách khác mà chính quyền của thủ tướng May cần phải đối phó. Nước Anh phải nhập khẩu đến 50% lương thực thực phẩm và gần như toàn bộ trong số đó là mua của EU. Bộ trưởng đặc trách về Brexit, Dominic Raab trấn an công luận khi tuyên bố chính phủ bảo đảm dây chuyền phân phối lương thực không bị gián đoạn. 

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính phủ Anh trả lời báo Sunday Times tháng 7/2018 cho rằng trong trường hợp Anh Quốc phải ra khỏi liên minh thuế quan ngay từ tháng 3/2019, vì giao hàng chậm, chỉ trong hai ngày, các siêu thị trong vùng Cornwall, miền tây nam nước Anh, và tại Scotland ở miền bắc sẽ rơi vào tình cảnh thiếu thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Các bệnh viện của Anh thì chỉ đủ sức tự túc về mặt thuốc men trong hai tuần lễ. 

Vậy tránh để xảy ra tình huống đó, Luân Đôn liệu có nghĩ tới phương án tích trữ những mặt hàng thiết yếu nhất, tương tự như trong thời kỳ chiến tranh? Bà May đã tính tới phương án này, cho dù tới nay bà vẫn kỳ vọng đạt được một thỏa thuận với EU cho thời kỳ hậu Brexit, nghĩa là một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ tháng 3/2019 đến ngày 01/01/2021. Tuy nhiên bà cũng cho biết là chính phủ đang chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. Bà May trấn an công luận là đang làm tất cả để bảo đảm đời sống của người dân không bị xáo trộn. 

Tân bộ trưởng đặc trách về Brexit, Dominic Raab, tuyên bố đang làm tất cả để nước Anh không bị thiếu hụt lương thực, thực phẩm. Bộ trưởng Y tế, Matt Hancock thì cho biết là đã phối hợp chặt chẽ với các công ty dược phẩm để bảo đảm cho nhu cầu thuốc men của cả nước. 

Tích trữ một khối lượng thuốc men, hay đồ ăn, nước uống cho 65 triệu dân không là chuyện dễ làm. Ví dụ như trong trường hợp của insulin chữa tiểu đường. Thuốc phải được giữ ở một nhiệt độ nhất định và các kho dự trữ phải được kiểm soát thường xuyên. Đây là một khâu gây nhiều tốn kém. Đối với đồ ăn thức uống, nhiều mặt hàng không thể giữ được lâu. Sau cùng, hiện tại nước Anh không có sẵn những kho để chứa hàng một cách lâu dài và giữ một khối lượng hàng rất lớn. Trước mắt, chính phủ chưa liên lạc với các dây chuyền siêu thị để thảo luận về kế hoạch dự trữ nhu yếu phẩm.

Thiếu hụt lao động

Anh Quốc không chỉ lo thiếu thuốc, hay thực phẩm mà còn lo thiếu cả lao động. Nhiều người lao động theo thời vụ nản lòng vì Brexit. Rất đông trong số này là các công dân từ Đông Âu sang Anh tìm việc. 

Theo thống kê của Bộ Lao động, khu vực nông nghiệp đang trong tình trạng báo động đỏ, thiếu khoảng 4.000 lao động trong vụ thu hoạch năm nay. Đây là những công việc không mấy thu hút người dân Anh. 

Chủ các nhà hàng cũng đang đau đầu. Nhà hàng Bruce tại Luân Đôn với một ngôi sao Michelin cho biết, 95% nhân viên phục vụ trong nhà hàng này là người ngoại quốc. Không dễ để thay thế nguồn nhân lực đó. 

Họp báo tại Luân Đôn hôm 31/07/2018 tổng giám đốc hiệp hội các tập đoàn công nghiệp Anh, bà Carolyn Fairbairn báo động "tình hình hiện rất cấp bách, bởi vì nếu không được hưởng giai đoạn chuyển tiếp để phải nhanh chóng rút khỏi thị trường chung châu Âu thì cả Anh Quốc lẫn EU cùng sẽ đánh mất 1,2 triệu công việc làm" 

Ngành công nghiệp xe hơi của Anh thì báo động: hiện thời, đại đa số phụ tùng xe hơi phục vụ cho các nhà máy trên quê hương của nữ hoàng Elizabeth phải nhập từ nước ngoài, và 50% xe ra lò từ Anh Quốc là để bán sang thị trường EU. Điều đó cho thấy nếu phải chia tay với liên minh thuế quan đôi bên sẽ thiệt hại biết là bao.

Một dấu hiệu đáng lo ngại khác, trong lúc các tập đoàn lớn của Anh có thói quen buôn bán với các bạn hàng ở khắp năm châu, ngược lại 18.000 hãng vừa và nhỏ chỉ sản xuất để cung cấp cho các nước bạn trong EU. Số này thực sự chưa sẵn sàng để đi tìm những thị trường mới. Tám tháng là thời gian quá ngắn ngủi để 18.000 doanh nghiệp đó thích nghi với những thủ tục mới thời hậu Brexit.

Lo ngại số 1 hiện tại của các doanh nhân Anh là bị loại khỏi liên minh thuế quan vì điều đó có nghĩa là hàng của Anh bán sang EU sẽ bị đánh thuế cao hơn so với hiện tại. Thậm chí là số này không được hưởng những lợi thế từ những thỏa thuận thương mại đã có giữa EU với các khu vực khác trên thế giới. Luân Đôn phải đàm phán lại từ đầu với mỗi đối tác, như là Mỹ, Canada, hay Trung Quốc, Ấn Độ … để đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch mới. Tiến trình đàm phán đó chỉ có thể được khởi động sau ngày 29/03/2019 tức là một khi Luân Đôn không còn là thành viên của EU. 

Tất cả những yếu tố bất trắc nói trên khiến các doanh nghiệp Anh tạm hoãn các dự án đầu tư. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba trong EU bắt đầu bị chựng lại.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.