Ngày thường, bia rượu đã là một thói quen khá thường xuyên của một bộ phận người Việt, trong đó chủ yếu là cánh đàn ông, với đủ mọi lý do: Tiệc tùng, gặp gỡ, chia vui, chia buồn...
Dịp lễ Tết, đặc biệt là kì nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày lại là cơ hội để thói quen lạm dụng bia rượu bùng phát hơn bao giờ hết. Có những người đàn ông, ba ngày Tết không thấy có mặt ở nhà vì mải mê tham gia những cuộc bù khú nhân danh "chúc Tết" ở hết nhà này đến nhà khác.
Có những đức ông chồng hiếu khách hoặc có chút địa vị trong xã hội, bạn bè, cấp dưới kéo đến chúc Tết, cả gia đình ba ngày Tết, bảy ngày xuân luôn loay hoay với những bữa tiệc rượu.
Những người đàn ông ấy, không chỉ bị rượu bia làm mất đi cảm nhận sâu sắc và sum vầy ngày Tết, khiến cho sức khỏe hao mòn, Tết không đem đến cho họ gì ngoài sự mệt mỏi triền miên và nguy cơ bệnh tật, mà còn khiến họ xa rời gia đình mình ngay ở thời điểm cần sự sum họp nhất.
Nhưng, bên cạnh sự tổn thất mà cánh đàn ông khó bề nhận ra khi họ sa lầy vào rượu bia ngày Tết, là những cảm nhận không được tốt của người mẹ, người vợ, những đứa con trong nhà khi “cánh mày râu” mải mê tiếp rượu bạn bè.
Chị Trương Phước Ánh, giáo viên mầm non ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9, TP HCM chia sẻ: Mọi năm, nói là Tết chứ mấy mẹ con chị tự chơi Tết với nhau là chính. Chồng chị là một doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng ô tô và Tết là dịp để chúc Tết đối tác, khách hàng, nhân viên hay bạn bè. Những bữa chúc Tết hay tiếp khách thường bị biến thành bữa nhậu, từ nhà chị đến nhà khác.
Chị cùng các con, mỗi khi nhà có khách đều là các ô sin với việc nấu nướng, phục vụ và dọn dẹp. Có những ngày đến 3, 4 ca như vậy, quần quật. Nhiều cái Tết, chị và con tự dắt nhau đi du xuân, đi chùa, vì chồng hứa đi chung, nhưng phút cuối bận tiếp khách, hoặc lỡ say rồi.
"Nhưng năm nay thì khác. Khách đến nhà không dám bày rượu bia ra nhậu như mọi năm, chỉ uống trà nói chuyện hoặc lon bia cho vui rồi về, trừ khách có tài xế riêng. Cả một mùa Tết, ba mẹ con tôi chỉ phải tất bật cho 2 bữa tiệc rượu của chồng. Lâu lắm, anh ấy mới có thời gian nhiều cho gia đình vào Tết đến vậy", chị Ánh hồ hởi kể.
Thực tế có biết bao phụ nữ như chị Ánh, có những người chồng ngày Tết vui vẻ bù khú trong những cuộc rượu nhiều hơn cha mẹ, vợ con. Bà Nguyễn Thị Liễu, Hóc Môn, TP HCM phấn khởi chia sẻ: Tết các năm bà luôn bất an vì hai cậu con trai đi ăn nhậu với bạn bè suốt. Mỗi khi có tin về tai nạn, mỗi khi con về trễ bà lo đứng lo ngồi. Năm nay, thấy con ít nhậu hẳn, dành thời gian dẫn ông bà đi chơi Tết, hai ông bà vừa yên tâm vừa vui như trẩy hội.
Đã có nhiều thay đổi, nhưng tất nhiên, không phải gia đình nào cũng được như vậy. Rượu bia, nhậu nhẹt đã trở thành một thói quen trong rất nhiều năm. Để bỏ được nó, không chỉ cần một quy định.
Nhưng khi những người đàn ông chịu thử thay đổi thói quen một vài lần, dù chỉ là do "bị ép" bởi chế tài, họ sẽ nhìn thấy được niềm vui từ chính những người thân của họ, nhìn thấy sự hạnh phúc và kết nối của gia đình. Đó cũng là một động lực lớn để từ bỏ một thói quen xấu ăn sâu bám rễ bao đời nay.