Vợ chồng ông Hồ Toàn – bà Nguyễn Thị Hồng Minh. |
Kỷ niệm khó quên giữa cuộc chiến sinh tử
Là người đi suốt chiến dịch Điện Biên Phủ nên dẫu 60 năm đã trôi qua, Thượng tá, bác sỹ quân y Phạm Thị Tín vẫn bồi hồi nhớ về những ngày tháng ấy. Năm 1950, bà chính thức vào bộ đội. Con gái Hà thành, mới 19 tuổi nhưng bà không ngại gian khổ, không sợ rừng thiêng nước độc bởi luôn nghĩ vì tiếng gọi Tổ quốc.
Cuối năm 1953, chuẩn bị bước vào chiến dịch, toàn đơn vị phải hành quân hàng tháng mới tới Mường Phăng. Trên đường đi, bà bị sốt cao, đau lưng, đau mắt và nhận tin em gái thứ ba mất vì sốt rừng ở tuyến sau. Mặc dù chỉ huy nói bà có thể ở lại điều trị và về gia đình động viên mẹ, nhưng bà nhất quyết xin hành quân tiếp.
Khi bộ đội đánh vào đồi A1 và sân bay Mường Thanh, bà phục vụ trong khu trọng thương một đường giao thông hào gồm 30 hàm ếch. Có thời điểm thương binh đổ về dồn dập, toàn đội bị ốm chỉ còn bà và đội trưởng bám trụ. Những khi 10 ngày dồn dập không được ngủ, không có nước để tắm giặt thay đồ, bà và đồng đội chỉ gục xuống đuôi chân cáng thương chợp mắt ít phút…
Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất về những ngày hào hùng ấy vẫn là cảm giác xúc động lạ kỳ khi mặt trận bỗng tĩnh lặng không còn tiếng súng, bà leo lên giao thông hào nhìn về phía sân bay Mường Thanh thấy cờ trắng của lính Pháp kéo hàng lũ lượt… Bà gọi đồng chí Luật lên hào, hai chị em như vỡ òa, hét vang: “Giải phóng rồi, chiến thắng rồi”… Họ cứ gào như vậy cho tới khi cổ họng khản đặc…
Còn Y tá Nguyễn Thị Mai Tâm, 19 tuổi, con gái một gia đình tư sản ở Hà Nội đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa để được ra chiến trường. Chiến tranh lùi xa 60 năm nhưng cảm xúc về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn sống động trong bà. Kỷ niệm khiến bà khó quên nhất là khi cấp cứu một anh bị thương nặng, bà thấy anh liên tục kêu khát nước nhưng giữa rừng không thể có nước…
“Tôi lấy lá cọ vắt từng giọt nước đựng vào ống bơ sữa bò để anh uống. Trong cơn đau cuối cùng, đầu gối trên tay tôi, miệng anh mấp máy: “Chị ơi, em chết dần chết dần đây này” rồi ra đi. Điều làm tôi đau đớn đến tận bây giờ là để anh đi trong tình trạng khát nước…”.
Lễ đón dâu hụt và đám cưới trong hầm Đờ Cát
Lớn lên ở phố tơ lụa Hàng Đào, cô gái yểu điệu Nguyễn Thị Hồng Minh nhập ngũ, trở thành nữ Chính trị viên khi tuổi đời vừa tròn 20. Bà Hồng Minh cùng các nữ quân y chăm sóc thương binh và lo hậu cần trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Hồng năm 1951. Tình cảm giữa Hồng Minh và anh Hồ Toàn, cán bộ quân y đội điều trị 2 rất gắn bó. Cả hai quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 26/12/1951 và giấy mời đã gửi cho tất cả bạn bè gần xa.
Nhưng thời điểm lễ cưới cận kề, bà Hồng Minh lại được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị nữ. Dù chưa liên lạc được với chú rể đang ở xa để hoãn đám cưới nhưng bà Hồng Minh vẫn trả lời cấp trên: “Tổ quốc là trên hết, giặc tan em mới trở về!”.
Bà Hồng Minh lên đường nhận nhiệm vụ thì đúng như kế hoạch, lễ đón dâu vẫn diễn ra. Chú rể cùng đoàn đón dâu chở đồ lễ, rượu nho, bánh ga-tô từ Cao Bằng về Thái Nguyên, nơi đơn vị cô dâu đóng quân song chỉ nhận được lá thư cô dâu để lại với lời xin lỗi vội vàng.
Ông Hồ Toàn dù rất buồn nhưng vẫn viết cho bà một lá thư dài 23 trang bày tỏ nỗi lòng thương nhớ cùng mấy câu thơ đầy khích lệ: “Em ơi em chớ có lo!/ Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu/ Vì em anh phải nhỡ tàu/ Xuân này ta sẽ gặp nhau: “em… đền!”.
Thế rồi, lời hẹn ước của họ cũng thành hiện thực. Sau khi “bỏ trốn” khỏi lễ rước dâu bà đã “đền” cho ông đám cưới vui vẻ vào ngày 20/3/1952, sau khi chiến dịch Hòa Bình kết thúc. Đêm tân hôn, mấy chị em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng nhỏ làm “buồng uyên ương” cho cặp vợ chồng mới cưới. Ngay sau đó, vợ chồng chiến sỹ lại mỗi người mỗi ngả đi chiến dịch tiếp ứng cho Điện Biên Phủ.
Một mối tình khác cũng gắn liền với những thời khắc lịch sử là chuyện tình giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Toản (sinh năm 1930 tại Huế), y tá đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại đoàn phó Đại đoàn 38 Cao Văn Khánh. Bà Ngọc Toản xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, cha bà là ông Tôn Thất Đàn, một trong 4 vị Thượng thư đầu triều Nguyễn, mẹ là bà Phạm Thị Tiên xuất thân từ gia đình quý tộc Phạm Đăng Hưng, có con gái lấy Vua Thiệu Trị.
Bà Ngọc Toản gặp ông Cao Văn Khánh lần đầu khi ông đến thăm Trường Đại học Y khoa ở Việt Bắc. Tình yêu giữa hai người chớm nở với nhiều lời ước hẹn. Cuối năm 1953, khi Bộ Tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân ông Khánh đã lên Tuyên Quang gặp người yêu. Lúc chia tay, ông bà cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình.
Sau đó, bà Ngọc Toản cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị 2 Cục Quân y. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Ngọc Toản đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh để làm nhiệm vụ phiên dịch cho việc trao trả một nữ tù binh Pháp. Tại đây, bà gặp người yêu trong xúc động nghẹn ngào. Ngay sau đó, ông bà quyết định tổ chức đám cưới. Lễ cưới của hai chiến sỹ Điện Biên được tổ chức giản dị ngay trong hầm của tướng Đờ Cát vào ngày 22/5/1954.
Bà Ngọc Toản chia sẻ, gọi là lễ cưới nhưng chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu chỉ vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Trong hầm Đờ Cát, chỉ huy cấp trên và đồng đội viết câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Chú rể được yêu cầu hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La” để mừng chiến thắng. Mọi người cùng hô vang: “Hoan hô đám cưới Điện Biên”. Sau ngày cưới, cô dâu, chú rể ra ngoài, lên ngồi trên… tháp pháo xe tăng chụp ảnh kỷ niệm!
lBà Nguyễn Thị Ngọc Toản và ông Cao Văn Khánh chụp ảnh sau ngày cưới trên chiếc xe tăng tại trung tâm cứ điểm Mường Thanh, gần hầm chỉ huy Đờ Cát. |
Và cô y tá đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào giờ là GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, 86 tuổi. Tấm ảnh đen trắng chụp cảnh ông và bà trên tháp pháo xe tăng trong ngày cưới hiện được treo trang trọng tại nhà bà ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội. Chứng nhân của đám cưới đặc biệt ấy cũng là hiện vật lịch sử độc đáo của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học.
Bà Hồng Minh hiện cũng 86 tuổi, sống tại phố Đặng Dung, ông bà cũng đã kịp làm đám cưới vàng (50 năm). Sau khi rời quân ngũ, bà Hồng Minh là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng rồi Trưởng phòng Kinh tế Sở Xây dựng cho tới khi nghỉ hưu.
Thượng tá Phạm Thị Tín sau này trở về Tổng cục Chính trị rồi sang Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN), bà có 9 năm phục vụ gắn bó với bà Nguyễn Thị Định (Hội trưởng Hội LHPNVN những năm 80 thế kỷ trước). Chồng bà Tín cũng là một chiến sỹ Điện Biên, họ quen nhau và hẹn ước trong những ngày tháng lịch sử trên đường ra chiến dịch 60 năm trước.