Ông Vinh rất muốn mở rộng được xưởng may |
Với thanh niên hiện nay, điều quan trọng nhất là có công ăn việc làm. Thế nhưng, nhiều người đã phải chịu cảnh thất nghiệp hay làm việc quần quật mà đồng lương nhận được không xứng đáng. Có một người cựu binh đã lập xưởng may và đưa con em thương binh, liệt sĩ vào đào tạo, làm việc, giúp các em cải thiện cuộc sống.
Người cựu binh đó là ông Trần Văn Vinh, ở thôn Ngoại, xã Đồng Du, Bình Lục, Hà Nam. Tôi gọi ông là bông hoa già tỏa hương, vì ông vốn là người “bệnh tật đầy mình”, trong người nhiễm chất độc da cam, nhưng đã dám nghĩ dám làm, giúp nhiều nữ thanh niên có công ăn việc làm.
Ông Vinh sinh năm 1947, năm 1965 ông đi bộ đội, là lính của Tiểu đoàn 12 ly 7 (Tiểu đoàn Bồ Đề), tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông - Nam bộ. Biết bao trận “quần nhau với giặc” thừa sống thiếu chết, ông đã mang trong mình nhiều vết thương và nặng hơn là nhiễm chất độc da cam. Hòa bình, thống nhất đất nước, năm 1976 ông Vinh xuất ngũ về quê hương, được bầu làm Bí thư đoàn xã. Một thời gian sau, ông đi làm vùng kinh tế mới tại Đắc Lắc.
Năm 1981 trở về, vẫn hai bàn tay trắng, ông lại tham gia các phong trào ở quê hương, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Nhưng do ít vốn, dịch bệnh nhiều, công việc làm ăn bị thua lỗ, ông bỏ. Thời gian này, ông Vinh đi thăm viếng bè bạn, gặp những người đồng ngũ, bạn chiến đấu xưa nhiều hơn. Ông cũng đạp xe vào tận Ninh Bình để thăm bạn và thấy ở đây có một số công ty may đang làm ăn rất phát đạt.
Ông Vinh tâm sự: “Lúc đó, hai đứa con gái của tôi đều đi làm may thuê cho các công ty. Đứa thì ở Hà Nam, đứa ở Hà Nội. Tiền công thì ít mà chi phí cũng hết, chẳng còn lại được bao nhiêu. Đồng đội tôi lúc đó, có nhiều người góp vốn, mở công ty may. Họ bảo tôi: Ông mua máy về mà nhận làm, cho con cái có việc, khỏi phải đi xa”.
Nghe đồng đội nói có lý, ông Vinh nhận lời. Thế là mỗi người giúp một ít, ông mua được 3 máy may, nhận hàng thô và gọi các con về làm. Cô con út của ông Vinh, không may mắn đã ảnh hưởng chất độc da cam, bị tật nguyền. Khi các chị đi làm may ở xa, cô cũng rất muốn học. Thấy trong xã có hiệu may, ông Vinh đã xin cho người con tật nguyền của mình theo học. Công việc dù rất khó khăn, nhưng cô gái đã vượt qua. Khi có 3 chiếc máy, cô có điều kiện học luôn ở nhà, được các chị trực tiếp chỉ dạy.
“Khi nhà tôi có máy, nhiều con em đồng đội tôi, là những đứa trẻ tật nguyền tìm đến, chúng muốn học. Thấy con bé út tật nguyền mà làm được, chúng rất thích. Tôi thấy làm 3 máy chẳng ăn thua, liền nghĩ hay là nên mua thêm máy về, đào tạo những đứa trẻ này. Vừa mở rộng được sản xuất, vừa tạo công ăn việc làm cho chúng. Không thì tội nghiệp lắm” - Ông Vinh xúc động. Nghĩ thế, ông đã quyết định vay tiền mua thêm 10 máy may công nghiệp (nhỏ).
Việc dạy học, tổ chức sản xuất do cô con gái lớn của ông Vinh là chị Trần Thị Hằng đảm nhiệm. Chị là người có tay nghề, kỹ thuật cao, nên ông Vinh rất yên tâm. Phần lớn, cơ sở nhận làm gia công mặt hàng quần áo, túi xách thô cho một số công ty lớn ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam...
Hiện nay, ông Vinh đã đào tạo được gần 70 lao động, trong đó nhiều người là con em đồng đội, chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều em sau khi học ở cơ sở ông Vinh, đã xin đi làm công ty lớn hơn, hoặc lấy chồng, mở tiệm may riêng. Tiệm may liên tục có 14 người làm, lương tháng 1 triệu đồng một người. Con số đó, ông Vinh nói rằng là rất thấp, vẫn chưa tương xứng với từng người, nhưng do kinh tế suy thoái, công việc làm ăn gặp khó khăn.
Hiện nay, cơ sở phải đối mặt thêm với khó khăn nữa là lãi xuất ngân hàng cao, liên tục mất điện, mà chạy máy phát thì không có công. Nhiều tháng, thậm chí ông Vinh phải chịu lỗ, nhưng vẫn cố duy trì sản xuất để các em có việc làm. Tất cả xuất phát từ tình thương người, ghi nhớ công ơn đồng đội, những người đã ngã xuống bảo vệ quê hương, đất nước. Xã Đồng Du thời gian đó có 37 người nhập ngũ thì 25 người mãi mãi không về nữa.
Điều đó luôn là nỗi day dứt trong lòng ông Vinh. Ông bảo: “Tôi vẫn luôn ốm đau, nhưng vẫn cố gắng. Sức đến đâu làm đến đấy, tôi sẽ chiến đấu với khó khăn đến cùng”. Ông Vinh cũng chủ động phối hợp với các trung tâm bảo trợ xã hội khắp trong và ngoài huyện để tạo điều kiện đưa các em bị nhiễm chất độc da cam, người tàn tật và trẻ em lang thang... về xưởng may của mình học nghề may miễn phí, giúp các em sống tốt, sống hòa đồng.
Xưởng may là “mái nhà chung” chưa đầy 100 mét vuông, là nơi đào tạo và làm việc của những người thiệt thòi. Đặc biệt ở đó, có một người cha thương binh giàu tình thương, lúc nào cũng trăn trở, tìm hướng hoạt động, để mở rộng xưởng may, giúp xưởng may đi lên. Người cha đó xứng đáng là bông hoa già tỏa hương. Xin chúc ông luôn khỏe, để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
Khi tạm biệt ra về, ông Vinh nhắc: “Tôi mong muốn xã hội có nhiều trung tâm giúp các em. Nghe đài, báo nói, tôi thấy nhiều nơi thanh niên bị công ty nước ngoài bóc lột sức lao động ghê gớm. Vậy mà tôi không thể làm gì tốt hơn...”
Phú Xuyên