Hỏi: Tôi đang rất đau đầu vì bỗng dưng có đơn kiện tôi ra Tòa án yêu cầu xác nhận tôi là cha đẻ của một bé trai mồ côi và yêu cầu tôi phải chịu trách nhiệm với đứa con ngoài giá thú này.
Thực tế, mẹ của cháu bé này trước kia có giúp việc cho gia đình tôi, sau khi cô ta nghỉ việc một thời gian, tôi cũng có nghe thông tin cô ta mang bầu và sinh con ngoài giá thú mặc dù cô ta chưa từng nói chuyện này với tôi.
Xin hỏi cô ta đã mất, đứa trẻ còn ẵm ngửa tất nhiên không thể kiện tôi được vậy lá đơn kiện yêu cầu xác định tôi là cha của đứa trẻ do người hiện đang nuôi cháu bé gửi có hợp pháp hay không? Pháp luật quy định những ai được quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con? (Anh Trần Đ, 46 tuổi)
Trả lời: Theo khoản 1, 2 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì cha, mẹ, con có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định cha, mẹ, con cho mình trong trường hợp việc nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp; và có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con cho mình trong trường hợp việc nhận cha, mẹ, con có tranh chấp.
Cụ thể điều luật như sau: “1. Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.
2. Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này.”
Ngoài ra, theo khoản 3 của điều luật trên thì còn có cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:
a) Cha, mẹ, con, người giám hộ;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội Liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, mặc dù mẹ đẻ của cháu bé đã mất, cháu bé chưa thành niên nhưng cháu đang có người giám hộ chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo điểm a, khoản 3 điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình đã trích dẫn trên thì pháp luật quy định cha, mẹ, con của người giám hộ cho cháu bé cũng có quyền kiện yêu cầu tòa án xác định cha cho cháu bé. Ngoài ra, các cơ quan tổ chức cũng có thẩm quyền thực hiện việc yêu cầu xác định cha, mẹ cho trẻ chưa thành niên.
Tất nhiên, việc những người có thẩm quyền gửi đơn kiện yêu cầu xác định anh là cha cho cháu bé là quyền của họ, họ làm như thế cũng vì quyền lợi của trẻ em. Và để Tòa án xác định anh có phải cha đẻ của cháu bé hay không cần phải có những chứng cứ tin cậy khác, trong đó phải kể đến chứng cứ quan trọng nhất là kết quả giám định ADN kết luận việc giữa anh và cháu bé có quan hệ huyết thống cha - con hay không? Kết luận giám định ADN được xem là chứng cứ khoa học tin cậy nhất để xác định nguồn gốc của một con người.