Thiếu bản sắc
Tỷ số 0 - 6 chứ không phải chỉ một vài bàn thua cách biệt là những gì đội tuyển Đức phải nhận trước Tây Ban Nha tại lượt cuối bảng 4 League A UEFA Nations League 2020/2021. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu Tây Ban Nha này là Tây Ban Nha của những năm 2010 và Đức của thời kỳ tăm tối trước khi World Cup 2006 diễn ra. Đây lại là một Tây Ban Nha đang loay hoay tìm sự kế thừa của Xavi, Iniesta, Busquet…
Còn Đức, họ vô địch World Cup năm 2014, Euro 2016 họ cũng vào đến bán kết. Ấy vậy mà, một trận thua khó tin, đánh dấu những ngày dài đáng quên của đội tuyển Đức và hàng loạt những kỷ lục buồn được thầy trò HLV Joachim Loew tạo ra.
Đầu tiên, đây là trận thua cách biệt lớn nhất lịch sử của “cỗ xe tăng” tại một giải đấu chính thức. Trước đây, họ từng để thua 3-8 trước Hungary nhưng ở tận World Cup năm 1954. Thủ thành Neuer cũng có ngày thi đấu đáng quên nhất sự nghiệp. Và tất nhiên, với một thủ môn hàng đầu thế giới, việc để lọt lưới đến sáu bàn thua trong một trận đấu, nhất là trong thời kỳ bóng đá đề cao sự chặt chẽ và chiến thuật như hiện nay thì đó thật sự trở thành nỗi xấu hổ. Trớ trêu thay trận đấu này lại chính là trận đấu thứ 96 của Neuer, là trận đấu anh chính thức vượt qua huyền thoại Sepp Maier để trở thành thủ môn có số lần khoác áo quốc gia Đức nhiều nhất.
"Tôi không biết chuyện gì xảy ra nữa. Chúng tôi chẳng thắng trong pha tranh chấp tay đôi nào cả. Dù cố gắng pressing tầm cao nhưng đội bạn (Tây Ban Nha) vẫn thi đấu tốt hơn chúng tôi nhiều. Đây thật sự là một ngày tồi tệ”. Joachim Loew đã phải chua chát thừa nhận như vậy. Và quả thật, nếu xem trận đấu này và nói đây là một trong những đội bóng hàng đầu thế giới thì quả thật quá khiên cưỡng. 90 phút trôi qua, đội tuyển Đức chẳng sút trúng khung thành lần nào cả.
Đã đến lúc Loew gọi lại các công thần như Muller? |
Trước Tây Ban Nha, ông tạo ra đội tuyển thi đấu chậm chạp, thiếu tinh tế, vô tổ chức trong quá trình chuyển đội trạng thái sang phòng ngự. Trên mặt trận tấn công, tiền đạo sáng giá nhất của họ, Timo Werner cũng chẳng có lấy một pha chạm bóng trong vòng cấm. Bởi thế, sau trận đấu, tiền vệ Toni Kroos đã phải ngao ngán nói rằng Tây Ban Nha dạy cho tuyển Đức một bài học về cách chơi bóng.
Nỗi thất vọng bao trùm, các tờ báo ở Đức coi đây là nỗi nhục. Các cựu danh thủ cũng không quên thốt lên những lời cay đắng với nỗi đau khó nuốt trôi này. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ và theo dõi đội tuyển Đức thường xuyên từ sau Euro 2016 mới thấy đây không hẳn là điều quá bất ngờ.
Trên đất Nga tại World Cup 2018, đội tuyển Đức đang là đương kim vô địch, ấy vậy mà họ không vượt qua nổi vòng bảng. Trận cuối cùng, thậm chí họ còn để Hàn Quốc gieo sầu với tỷ số 2-0. Có điều gì đó đã xảy ra với đội tuyển Đức, và người ta cho rằng họ đã đi đến hết chu kỳ thành công. Không phải Joachim Loew, mà những công thần thuở nào như Muller, Boateng, Ozil… bị đem ra làm vật tế thần. Cuối cùng, họ bị huấn luyện viên loại ra khỏi những kế hoạch sau đó.
Loew bảo rằng cần nhường chỗ cho những gương mặt mới. Nhiều người đồng tình với quyết định đó, nhưng hướng đi như thế nào mới là quan trọng. Và sau cùng, chẳng thấy sự tươi mới đâu, đội tuyển Đức lại càng chơi càng mất bản sắc. Chẳng ai nhận ra đội hình đã từng vô địch World Cup cách đây mấy năm nữa.
Hai kỳ Nations League trôi qua thì một mùa suýt nữa đội tuyển Đức xuống hạng. Còn mùa này, chẳng cần nói thêm về sự tệ hại của họ nữa. Tám trận gần nhất, tuyển Đức cũng chỉ thắng có ba trận. Việc tạo nên sức sống mới của Loew thất bại toàn tập vì hàng thủ thường xuyên bị xáo trộn và không tìm ra nổi công thức bảo toàn sự chắc chắn là 4 hay 3 hậu vệ.
Ngày xưa, đội tuyển Đức thậm chí vẫn ghi bàn đều đặn chỉ với một tiền đạo ảo hoặc một tiền đạo mục tiêu, còn bây giờ họ lại đang gặp khó với mũi đinh ba Gnabry, Sane và Werner. Thiếu đi bản sắc cho nên Đức sẽ gặp khó khăn với đối thủ chơi nhiệt huyết và luôn sẵn sàng áp sát. Và càng xuống dốc về phong độ, đội tuyển Đức còn có thể đối mặt với sự xuống dốc về tinh thần.
Cần những công thần
Lần này, Joachim Loew tiếp tục bị chỉ trích, nhưng rốt cuộc, chiếc ghế của ông chỉ bị lung lay chút ít rồi lại vững. Ông vẫn sẽ tại vị, ít nhất là đến khi đội tuyển Đức kết thúc Euro 2020 (dự kiến tổ chức mùa hè năm sau do năm nay hoãn vì Covid-19). Thời gian còn lại không còn nhiều, và ông sẽ làm gì với câu hỏi mà tờ Bild, tờ thể thao hàng đầu của Đức đặt ra: “Low đã 60 tuổi, liệu có còn phù hợp để dẫn dắt đội tuyển nữa không?”.
Sau trận thua trước Tây Ban Nha, Loew vẫn “nói cứng” rằng ông sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào dàn cầu thủ mà ông đang có cả và khẳng định đây là một đội hình chất lượng. Tuy nhiên nói thì nói vậy, nhưng rõ ràng, nếu tiếp tục chơi tệ trong những trận tới, Loew chắc chắn sẽ chẳng dám bảo thủ nữa. Ai cũng nhận ra vấn đề nhiều người phân tích là đội tuyển Đức đang thiếu một thủ lĩnh thật sự. Bởi vậy, việc gọi lại các công thần hoặc một vài trong số họ là điều thật sự cần thiết vào lúc này.
Huyền thoại Lothar Matthaus là người đầu tiên đưa ra lời khuyên, khi cho rằng Mats Hummels, Jerome Boateng cần được nhắc đến bởi đội tuyển phải có những thủ lĩnh “cứng” tuổi nơi hàng phòng ngự. Chưa kể, không thể không nhắc đến Muller, người đã có mùa giải 2019/2020 rất tuyệt với với Bayern Munich và đang chơi rất tốt ở mùa giải này.
Với Muller, không chỉ bổ sung về chuyên môn, anh còn có thể là điểm tựa về tinh thần với tính cách của mình. Nói như Matthaus, thì trong trận gặp Tây Ban Nha, chỉ toàn nghe tiếng của các cầu thủ đội bạn. Đội tuyển Đức cần một cầu thủ “to mồm” như Muller. Hơn nữa, tại sao lại không dám đặt niềm tin vào một người đã có đến 10 bàn thắng tại World Cup. Và bây giờ, Muller không chỉ biết ghi bàn, mà còn trở thành một chân chuyền siêu hạng nữa.
Điều này sẽ rất cần thiết cho một hàng công thiếu ý tưởng của Loew. Còn với Boateng và Hummels, họ vẫn còn sung sức và sẽ là sự bổ sung lý tưởng về kinh nghiệm và chất thép cho hàng phòng ngự đang bệ rạc của đội tuyển Đức.
Nói là bệ rạc bởi trong 10 trận gần nhất, họ chỉ giữ sạch lưới có đúng một trận. Trong 10 trận này thì có đến ba trận họ nhận từ ba bàn thua trở lên. Ngoài Tây Ban Nha, hàng công của các đội bóng tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ cũng chọc thủng lưới “cỗ xe tăng” ít nhất ba bàn. Những thống kê này sẽ là khó chấp nhận bởi đội tuyển Đức thời nào cũng vậy, nổi tiếng với sự chặt chẽ và kỷ luật. Hàng thủ của Đức cũng chống bóng bổng rất kém dù hai trung vệ của họ là Niklas Sule hay Robin Koch đều có chiều cao trreen 1,9 mét. Cao nhưng họ thiếu kinh nghiệm, khả năng phán đoán tình huống, chọn điểm rơi của họ cũng rất kém, thua xa Boateng lẫn Hummels.
Nói vậy để thấy, dù tin tưởng vào lớp trẻ, Loew cần có sự điềm tĩnh trong việc “thay máu” đội hình, bởi một dàn cầu thủ trẻ mà có thêm những công thần hỗ trợ vốn chẳng phải ý tưởng tồi. Leroy Sane, Timo Werner, Kai Havertz… tiềm năng thật đấy, nhưng kinh nghiệm ở đội tuyển quốc gia của họ có được bao nhiêu. Có lẽ, hơn lúc nào hết, Loew cần nhìn lại việc “thay máu” của mình, bởi nếu tiếp tục thất bại nữa, chính ông sẽ là người bị “thay máu”, bởi những chiến lược gia như Juergen Klopp (Liverpool), Julian Nagelsmann (Leipzig) hay Hansi Flick (Bayern Munich)… đã không ít lần bày tỏ mong muốn cống hiến cho đội tuyển quốc gia.