Mặc dù năm 2010 là năm khó khăn với các doanh nghiệp song hầu hết các ngân hàng lại lãi lớn ở mức vượt kế hoạch trên dưới 30%.
Sau một năm đầy biến động của thị trường tiền tệ ngân hàng với lạm phát, lãi suất chỉ thấp hơn mức đỉnh năm 2008 và tiền đồng giảm giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực vào năm 1997-1998 nhưng hầu hết các ngân hàng lại lãi lớn ở mức vượt kế hoạch trên dưới 30%. Kết quả này là do 4 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, trần lãi suất giúp ngân hàng có điều kiện mua rẻ bán đắt. Cụ thể, đối với phía huy động, trừ một số trường hợp ngân hàng phải trả cao hơn mức lãi suất trần theo quy định do những người biết thông tin và mặc cả với ngân hàng, còn hầu hết người gửi tiền còn lại chỉ được nhận tối đa bằng lãi suất trần. Như vậy, so với không có trần lãi suất, chi phí đầu vào của ngân hàng chắc hẳn thấp hơn.
Đối với phía cho vay, trong điều kiện khan hiếm nguồn vốn, việc các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay cao là điều tất yếu. Trong hầu hết trường hợp, người đi vay chỉ có cách duy nhất là chấp nhận giá ngân hàng đưa ra. Việc doanh nghiệp mặc cả với ngân hàng là rất hiếm hoi. Một lần nữa, nhờ trần lãi suất mà ngân hàng có lợi thế nâng “giá bán”.
Hơn thế, việc kiếm lợi còn tốt hơn đối với các ngân hàng có khả năng vay vốn của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất khá mềm để cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ với mức lãi suất cao hơn.
Thứ hai, trần tỷ giá tạo điều kiện cho ngân hàng kiếm lợi hai đầu. Trong cơ chế mà tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá thực tế rất nhiều, việc mua bán ngoại tệ giữa khách hàng với ngân hàng phải qua một khâu trung gian nào đó. Tất cả khâu đoạn này đều do ngân hàng thực hiện và họ có quyền quyết định mức phí hay định giá ở mỗi khâu. Vì vậy, người bán ngoại tệ không thể bán được mức giá tốt như việc mua bán trực tiếp trong điều kiện thị trường bình thường. Điều tương tự cũng xảy ra với người mua. Kết quả là ngân hàng có thể thu được lợi nhuận ở cả hai đầu.
Thứ ba, hạn ngạch nhập khẩu vàng giúp các đơn vị nhập khẩu kiếm lợi. Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế là do chính sách hạn chế nhập khẩu vàng bằng quota. Cơ chế này đã làm cho cơn sốt giá cũng như tình trạng buôn lậu vàng trở nên trầm trọng hơn vì thị trường trong nước không liên thông với thị trường quốc tế. Và, phần lớn phần chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vào túi những nhà nhập khẩu được cấp hạn ngạch (đa phần là các ngân hàng hay các tổ chức tài chính).
Bên cạnh ba lý do trên, lạm phát cũng là một yếu tố làm cho lợi nhuận danh nghĩa của các ngân hàng gia tăng. Giả sử khi lạm phát ở mức 6%, kế hoạch lợi nhuận của một doanh nghiệp là 1.000 tỉ đồng, nếu lạm phát là 12%, thì lợi nhuận phải vào khoảng 1.050 tỉ đồng mới tương đương với 1.000 tỉ đồng nêu trên.
Bốn lý do cơ bản trên khiến các ngân hàng kiếm được lợi nhuận đột biến so với kế hoạch do chính họ lập ra chỉ trong vòng 12 tháng. Ai cũng biết việc các ngân hàng - trung gian phân bổ vốn cho nền kinh tế - kinh doanh có lợi là điều bình thường. Nhưng với một mức lãi quá cao thì đương nhiên, nền kinh tế phải hứng chịu gánh nặng và tổn thất.
Theo Huỳnh Thế Du
Thanh Niên