Theo Dự thảo báo cáo, kinh tế TP tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước.
TP tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền thành phố. Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân.
Dự thảo báo cáo cũng nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ thành phố và phản bác các quan điểm sai trái, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đạt yêu cầu. Tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực như trong việc quản lý, sử dụng tài sản, nhà đất công; quản lý đầu tư xây dựng… gây dư luận, bức xúc.
Dự thảo báo cáo nêu rõ mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của TP là tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Trong đó, TP sẽ tập trung vào 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm phát triển, đó là đột phá đổi mới quản lý TP HCM; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP HCM; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP HCM; Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP HCM.
Trong chương trình đột phá đổi mới quản lý, TP nhấn mạnh đến việc thực hiện Đề án chính quyền đô thị và chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030; Đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 – 2035; Chương trình nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số môi trường kinh doanh đứng trong top 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước giai đoạn 2020 – 2025...
Chương trình đột phá phát triển hạ tầng, TP nhấn mạnh đến công tác Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch phát triển giao thông công cộng giai đoạn 2020 – 2030; Quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030; Chương trình phát triển nhà ở cho người dân giai đoạn 2020 - 2030 (2 triệu người dân mới đến với tổng dân số năm 2030 trên 11 triệu người); Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030…
Với Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, TP ưu tiên đầu tư vào Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 7 lĩnh vực (công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 – 2035; Đề án xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2020 – 2030; Đề án hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP HCM giai đoạn 2020 - 2035…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc công bố Dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm giúp các cấp, ngành của TP có điều kiện tham khảo xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ của đơn vị; đồng thời từ kinh nghiệm thực tiễn cơ sở đóng góp ý kiến cho dự thảo được hoàn thiện hơn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, xã/phường… dành thời gian góp ý cho Dự thảo theo kế hoạch đã được đề ra.