Chiều quá hóa… nhàm!
Dù mỗi người đều có xe máy riêng, nhưng cô sinh viên Trà My vẫn thích được người yêu (Quang) đưa đón đến trường. Quang sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cô người yêu xinh đẹp. Ở trường, My không giấu được niềm kiêu hãnh khi được nhiều người khen “số nó sướng, “tóm” được thằng ngoan hiền, cung phụng người yêu như hầu bà hoàng".
Không chỉ đưa đón, Quang còn tính toán trước nhiều việc cho cả hai, kể cả chuyện ăn uống cũng được lên lịch hẳn hoi. Tuy Quang học khác lớp nhưng cả hai quấn quýt nhau như sam. Vậy mà chỉ sau vài tháng, bạn bè ngỡ ngàng khi nghe họ thông báo “phá sản tình yêu”. Nguyên nhân từ mâu thuẫn rất nhỏ: đến giờ hẹn ăn trưa, chưa thấy My đến, Quang gọi thì máy bận.
Anh bấm gọi lại liên tục trong 10 phút, máy vẫn bận. Khi My đến, Quang tức tối tra vấn “em nghe điện thoại ai mà lâu thế?”. My cũng có lý của mình: “Em mệt mỏi quá, chẳng lẽ lúc nào em cũng phải báo cáo tất cả những việc em làm? Em không thích anh chăm sóc quá nhiều đâu, để cho em thở với”. Sau nhiều lần nặng lời với nhau, tình yêu của họ đã không thể cứu vãn.
Cũng là trường hợp chiều chuộng, nhưng với đôi bạn Lý - Huệ, tình cảm “bội thực” kiểu khác. Lý và Huệ đều là sinh viên, dù ở cách nhau khá xa nhưng Huệ vẫn tìm đến phòng trọ của Lý để thể hiện sự đảm đang như một người vợ. Huệ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo cho Lý. Chuyện “cơm bưng nước rót” này khiến đám bạn chung phòng trọ của Lý được hưởng ké bằng những bữa cơm nóng sốt, những lời ngợi khen: “Giá mà tụi tui cũng có số hưởng phước như Lý nhỉ”.
Những lần thấy Lý có dấu hiệu xao nhãng tình cảm và tỏ ra thân thiết với một số bạn nữ khác, Huệ lại tăng cường đến phòng trọ của Lý để dọn dẹp, giặt giũ và có khi còn làm giùm cả bài tập, tiểu luận cho bạn trai. Từ một người khá chăm chỉ, Lý trở nên lười biếng, ỷ lại. Những ngày vắng Huệ, cả đống chén đũa, quần áo được Lý ngâm bốc mùi. Khi Huệ góp ý, Lý cãi: “Yêu thì phải chấp nhận hy sinh chứ”. “Thế anh đã hy sinh được gì cho em?” - Huệ bật lại. Lý đuối lý: “Anh vậy đó, không chấp nhận thì thôi, anh cũng chán em lắm rồi. Em là người yêu chứ đâu phải là chị, là mẹ đâu mà khuyên bảo lắm thế”.
Lệ thuộc cảm xúc
Th.S tâm lý Lê Thị Linh Trang (Trường Cán bộ TP.HCM) chia sẻ: “Sự quan tâm, chăm sóc diễn ra một phía và thái quá sẽ tạo thành một thói quen không tốt. Một người quen được “phục vụ tận răng”, bỗng một ngày, vì lý do nào đó không được như cũ, sẽ bị hụt hẫng, thất vọng. Thế nhưng, lệ thuộc hành vi không đáng lo sợ bằng lệ thuộc cảm xúc.
Nếu một cô gái hay chàng trai thường được cung phụng đầy đủ, và cảm giác mình đang được yêu, vì lý do nào đó mà sự cung phụng bị giảm xuống, sẽ gây cho người được cung phụng có cảm giác “người ta” hết yêu mình rồi. Ngược lại, phía người cho cũng dễ lầm tưởng rằng, mình cho đi tất cả nên mình cũng có quyền sở hữu tất cả, và khi phát hiện ra bản chất của sự việc thì thất vọng. Tất nhiên, khi yêu, ai cũng muốn dành hết sự chăm sóc, chiều chuộng cho người yêu, nhưng nếu một bên dành quá nhiều, trong khi bên kia chỉ biết thụ hưởng và đáp lại quá ít thì đúng là đáng lo ngại”.
Ngoài chuyện lệ thuộc cảm xúc, chuyện một phía cho đi quá nhiều cũng gây nhiều nguy cơ khác. Khi một người được nhận quá nhiều, họ sẽ ít quan tâm đến người khác. Tâm lý ỷ lại đã khiến họ không cần phấn đấu chinh phục người yêu và tình yêu sẽ không được nuôi dưỡng, giữ gìn tốt.
Th.S Linh Trang nhận định thêm: “Trong yêu đương, việc tôn trọng cá nhân và dành không gian riêng cho người yêu cũng rất quan trọng. Việc chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá sâu vào đời sống của người yêu sẽ khiến quan hệ dễ sứt mẻ. Tuy cần phấn đấu để “hai thành một”, nhưng cũng nên xây dựng sự độc lập nhất định.
Theo PNO