Bộ Y tế ngăn rác thải nhựa vào bệnh viện cách nào?

Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y.
Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y.
(PLVN) - Các bệnh viện, khoa, phòng sẽ phải ký cam kết về thực hiện giảm chất thải nhựa; triệt để phân loại chất thải nhựa để tái chế; đưa tiêu chí giảm chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị; truyền thông, hướng dẫn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa...Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn toàn cầu. 

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Việt Nam thuộc Top các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. 

Nhằm chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành trong cả nước triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y.

Những con số ám ảnh 

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nhiều lần kêu gọi, tuyên truyền  về mối nguy hại từ rác thải nhựa, thậm chí ngày 29/7/2019 Bộ này còn ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Y tế. Với mong muốn đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi, chứ không thực hiện theo phong trào. 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ước tính có hơn 700 nghìn loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu, ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018.

Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc; Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế; Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh, sạch, đẹp.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội.

Ước tính ở nước ta, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao...

Thực hiện bằng giải pháp cụ thể, khả thi

Để tránh tình trạng “phát nhưng không động”, các phong trào mở ra kêu gọi rầm rộ rồi dần dần nguội lạnh, đi vào lãng quên, lần này Bộ Y tế hướng tới việc đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh, sạch, đẹp.

Bộ Y tế đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi, chứ không vẽ ra theo cho có phong trào. Chẳng hạn như các bệnh viện sẽ tăng cường cho bệnh nhân sử dụng thuốc uống thay vì tiêm; sử dụng vật tư, thiết bị... có bao bì bằng vật liệu thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút... từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân huỷ trong nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... 

Các bệnh viện, khoa, phòng sẽ phải ký cam kết về thực hiện giảm chất thải nhựa; triệt để phân loại chất thải nhựa để tái chế; đưa tiêu chí giảm chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị; truyền thông, hướng dẫn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Y tế đang là ngành đi đầu trong việc hưởng ứng Thư của Thủ tướng kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Trong số các địa phương thì Thừa Thiên - Huế cũng có rất nhiều hoạt động thiết thực dọn sạch rác thải trên địa bàn và vận động người dân hạn chế xả thải nhựa và nilon ra môi trường.

Không dùng túi nilon khi đi mua hàng, không sử dụng các dụng cụ đựng thức ăn, đồ uống bằng nhựa xem ra là những hành động nhỏ, rất dễ thực hiện của mỗi người dân nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Còn tại các siêu thị, những người bán hàng cũng nên hỏi câu: “Anh/chị có cần túi nilon đựng hàng?” và tính tiền chiếc túi đó vào hoá đơn thanh toán, giống như nhiều nước đã làm. Hy vọng với các biện pháp cụ thể, những chỉ thị kịp thời  của Bộ Y tế sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tạo sự trách nhiệm, ý thức cao trong việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa của người dân trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tiêm vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ tổn thương thận nghiêm trọng

Ảnh minh hoạ: health.harvard.edu.
(PLVN) - Biến chứng COVID-19 không chỉ gây tổn thương hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim, não, phổi và đặc biệt là thận. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy việc tiêm vaccine COVID-19 có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tổn thương thận nghiêm trọng ở những bệnh nhân phải nhập viện.

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng khó lường

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH): Hiệp lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp" vừa được tổ chức mới đây.

'Giảm hại' chỉ là vỏ bọc để 'ông lớn' thuốc lá duy trì lợi nhuận

TS. Nguyễn Thu Hương - Chuyên gia Tổ chức STOP (Ảnh: PV)
(PLVN) - Dưới vỏ bọc “giảm hại”, ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang tiếp tục triển khai những chiến dịch truyền thông tinh vi nhằm duy trì thị phần và lợi nhuận. Từ việc quảng bá thuốc lá đầu lọc là “an toàn hơn” trong thế kỷ trước, đến các sản phẩm thuốc lá điện tử ngày nay, mục tiêu cuối cùng vẫn là khiến người dùng tin rằng họ đang lựa chọn một giải pháp “ít độc hại”.

Đưa Methadone về trạm y tế xã

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Thời gian qua, mô hình điều trị Methadone tại trạm y tế (TYT) xã sau khi được triển khai tại một số địa phương, được đánh giá đã mang lại một số kết quả tích cực, thiết thực trong công tác y tế cộng đồng.

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định
(PLVN) -  Chiều ngày 12/6, Ban Tổ chức Hành trình Đỏ Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ khai mạc Hành trình Đỏ lần thứ XII và Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2025, qua đó đánh dấu một chặng đường đầy ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước.

Tăng thêm 5.000 đồng/bao thuốc lá sẽ cứu sống hàng triệu người, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Việc tăng thuế là hành động thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức chính sách. (Ảnh: Minh Trang)

(PLVN) - Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với mức tăng 5.000 đồng cho mỗi bao thuốc lá từ năm 2026 và tiếp tục tăng đến 15.000 đồng/bao vào năm 2030, Việt Nam có thể tiến một bước dài trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong sớm, tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng chi phí y tế, đồng thời tạo nguồn lực bền vững cho ngân sách quốc gia.