Ngày 21-1, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức, liên quan đến vấn đề sốt đất, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết cơ hội tạo sốt đất được tạo từ nhiều yếu tố chứ không phải do mỗi đấu giá đất . Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn cần được kiểm soát để phát triển lành mạnh.
Các lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho rằng thời gian vừa qua, sau khi có đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP HCM), Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng có những đánh giá.
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể giá đất thay đổi thế nào sau hàng loạt vụ đấu giá đất tại các địa phương, trong đó có vụ đấu giá đất tỉ đô tại Thủ Thiêm. "Đến nay đã có 20 tỉnh đánh giá về nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và ảnh hưởng đến nhà ở, giá đất. Khi có kết quả và đầy đủ thông tin sẽ báo cáo đến Thủ tướng"- ông Khởi nói.
Theo ông Khởi, giá đất ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng và trong đó có đấu giá đất... "để biết được rõ cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản". Tuy nhiên ông Khởi cũng cho biết vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để phát triển thị trường nhà ở.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại cuộc họp báo
Theo ông Khởi, giai đoạn 2020-2021 giá nhà có tăng so với 2 năm trước đó là 2018-2019. Giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng 2-3%. Tăng giá mạnh nhất là phân khúc đất nền với mức khoảng 5%; thậm chí, có nơi tăng 10%. Đây cũng là xu hướng chung. "Tuy nhiên giá nhà đất tăng do nguồn cung hạn chế, nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành nên chưa có sản phẩm chào bán trong khi nhu cầu vẫn tăng"- ông Khởi nói.
Ông Khởi cũng cho biết có một số giải pháp khác để tránh ảnh hưởng tiêu cực của "sốt" đất như: Quản lý chặt tài chính, tín dụng bất động sản, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quản lý việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án bất động sản, tránh tập trung đầu tư nhà ở cao cấp. Tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án bất động sản.
Cũng liên quan đến đấu giá đất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng vừa có Công văn số 413/BTNMT- TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đât để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Đồng thời chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất "vàng" để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Cùng với đó khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.
Đồng thời phát hiện các tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.