Bộ VH-TT&DL lại vung tiền “chơi”... trường quay?

Sau khi các đoàn phim dời đi, thành quách, lâu đài dựng tạm trong trường quay Cổ Loa đã đổ nát, cỏ mục um tùm
Sau khi các đoàn phim dời đi, thành quách, lâu đài dựng tạm trong trường quay Cổ Loa đã đổ nát, cỏ mục um tùm
(PLO) - Sau vụ buộc phải rút quyền đăng cai ASIAD do không dự liệu hết các vấn đề, trong đó có chuyện kinh phí, dường như Bộ VH-TT&DL lại muốn vung tiền “chơi sang” kiểu khác…
Theo Cục Điện ảnh (Bộ VH- TT&DL), đến năm 2020 đưa điện ảnh Việt Nam thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc dân tộc. Trong Đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được “lộ sáng” mấy ngày hôm nay, dư luận dân tình lại một phen phát sốt khi thấy nêu, sẽ cùng lúc xây dựng tới 3 phim trường ở 3 vùng của đất nước. 
Phải nói cho có đầu có đuôi thế này, Đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Cục Điện ảnh (Bộ VH- TT&DL) cho phổ biến và đón nhận ý kiến góp ý triển khai thôi. 
Theo đó, Đề án muốn xác định một lộ trình cụ thể đưa nền điện ảnh Việt tiến thêm những bước dài trên con đường nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc, có năng lực sản xuất 40 -45 phim truyện/năm, có ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp; năm 2030, Điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có uy tín ở châu Á, sản xuất 55 đến 60 phim truyện/năm, đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp…
Phim trường: Mỗi vùng …1 cái
Điểm nổi bật trong Đề án rất vĩ mô kia là yêu cầu xây dựng 3 phim trường mới đặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Muốn có phim thì phải quay phim, và để quay được phim thì phải có phim trường, điều ấy hiển nhiên như mặt trời mọc rồi lại lặn. Tuy nhiên, với Đề án mà Bộ VH-TT&DL đang “dựng”, xem ra dư luận rồi sẽ còn phải tham gia bàn luận “dài tập” bởi nhiều lý do.
Trước hết, Đề án đã nói chưa thuyết minh cụ thể lắm vì sao cần tới tận 3 phim trường? Và vì sao nhất thiết phải rải đều 3 vùng Bắc – Trung – Nam? Ở phía Bắc, đang hiện hữu trường quay Cổ Loa vốn đã được đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng. Nếu cứ lấy mức chi phí này đem nhân 3, rõ ràng Nhà nước sẽ phải chi tới 300 – 400 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Không những ngân sách Nhà nước phải chi tiêu lớn, sự hiện diện của 3 phim trường có thể khiến chính các nhà làm phim rơi vào cảnh “no dồn đói góp” khi mà lúc thì quá thiếu phim trường, lúc thì được đầu tư dồn dập cho xây dựng phim trường. 
Nỗi buồn trường quay Cổ Loa
Trong khi đó, phim trường Cổ Loa đang có một thực trạng rất đáng buồn! Rất nhiều đoàn làm phim tỏ ra ngần ngại khi phải vượt đường xa dặm thẳm mới đến được trường quay, đến được rồi thì vẫn phải hì hục dựng bối cảnh bởi ở trường quay này, vẫn thiếu những bối cảnh cơ bản hoặc đã có nhưng lại…xuống cấp do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. 
Nằm trên diện tích hơn chục héc- ta, trường quay Cổ Loa đã phục vụ cho một số bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô v.v…song những bối cảnh dựng lên cho các phim này phần nhiều là bằng…xốp, nên chỉ một thời gian sau đã xuống cấp. Người ta có thể gặp ở đây những đền đài, lầu gác…trong cảnh tạm bợ, nhếch nhác, chẳng thấy bong dáng khách du lịch nào đến thăm quan trong khi lại rất thích hợp làm chỗ cho các gia đình thuê tổ chức đám cưới. 
Khi thuyết minh cho trường quay này, phía Bộ VH-TT&DL vô cùng chắc chắn về khả năng sinh lợi về sau: Ngoài việc phục vụ bối cảnh cho các đoàn làm phim, phim trường sau đó sẽ  trở thành một địa chỉ tham quan du lịch kết hợp nhiều dịch vụ khác. Thuyết minh như thế thực ra cũng chỉ là “đếm cua trong lỗ” thôi, bởi các nhà quản lý điện ảnh dường như rất bị “ám ảnh” với các phim trường của Trung Quốc, Hàn Quốc như Hoành Điếm chẳng hạn bởi quy mô bề thế, xây dựng chuẩn mực, thích hợp cho nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, lối làm việc chuyên nghiệp của các trường quay. 
Đáng buồn là sau khi đi vào hoạt động, trường quay Cổ Loa đã không được vận hành một cách chuyên nghiệp, lại thiếu kinh phí nên việc xây dựng theo kiểu “có đến đâu làm đến đấy”, chưa thật sự trở thành một phim trường đúng nghĩa – đủ bối cảnh, đạo cụ, trang phục – lại càng khó thành nơi thu hút du khách. 
Và cũng bởi thiếu người đến xem, ít nguồn thu nên lại càng eo hẹp kinh phí để tái đầu tư, mở rộng, nâng cấp. Nhìn sang các nước, thấy du khách sau khi xem xong phim là ầm ầm kéo đến phim trường tham quan, rõ ràng Việt Nam còn lúng túng, ngây ngô lắm trong việc khai thác giá trị gia tăng từ phim trường.
Một góc cung nhà Tần tại trường quay Hoàng Điểm, Trung Quốc được dựng với kích thước gần như thật
Một góc cung nhà Tần tại trường quay Hoàng Điểm, Trung Quốc
được dựng với kích thước gần như thật
 
Thận trọng là…không thừa!
Các nhà làm phim Việt Nam đang vô cùng thiếu phim trường, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nền điện ảnh nước nhà hiện còn thiếu đạo diễn giỏi, thiếu kịch bản xuất sắc, có tầm cỡ, thiếu những tác phẩm điện ảnh mang tầm khu vực và thế giới. Tất cả những điều này chịu ảnh hưởng một phần của việc thiếu phim trường và ngược lại, khiến cho những phim trường như phim trường Cổ Loa chẳng hạn không được khách trong và ngoài nước biết đến. 
Rất nhiều bộ phim được dựng công phu, hoành tráng, có tiền đầu tư rất lớn nhưng khi công chiếu thu hút rất ít người Việt đến xem thì bối cảnh trong những phim ấy làm sau đủ sức hút họ đến tham quan, chiêm ngưỡng. Mà khách Việt với phim Việt đã vậy, thì mong hút du khách nước ngoài tìm đến thật khó chẳng kém hái sao trên trời.
Thế mà nay, ấp ủ dự định dựng tới 3 phim trường khắp 3 miền như thế hỏi sao mà dư luận không trợn mắt kinh ngạc. Cứ giả sử Nhà nước “chịu chơi” mà chịu chi 300 – 400 tỷ kia để Cục Điện ảnh đứng ra dựng phim trường đi nữa, thì cơ chế vận hành phim trường cho hiệu quả đã có chưa? Đầu tư cả khoản lớn, rồi đây nếu có phim trường, cần bao nhiêu năm để hoàn vốn? Nên dựng phim trường theo bối cảnh vùng miền hay lại…chơi giống nhau cho dễ tính toán? 
Và liệu có nên tổ chức lấy vài cuộc thi xây dựng đồ án phối cảnh phim trường, để không chỉ các nhà làm phim dễ đánh giá mà các nhà kiến trúc, xây dựng – bằng chuyên môn của họ - cũng dễ góp ý, tham gia để trong phim trường có những công trình kiến trúc vừa đáng để làm bối cảnh cho phim vừa độc đáo, thu hút được khách tham quan?
Nhân tiện đây, xin góp ý với các nhà quản lý điện ảnh một điều, nên chăng cứ xã hội hóa toàn bộ việc xây phim trường, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cá nhân bỏ tiền xây phim trường và lo cách khai thác hiệu quả. Ngân sách Nhà nước rất hạn chế, trong khi việc cần chi lại quá nhiều, trong khi nhiều thành phần kinh tế khác có đam mê, có đồng vốn, có phương pháp kinh doanh, khai thác thì cớ sao Nhà nước cứ phải khư khư giành lấy cái sự độc quyền đầu tư xây dựng phim trường? 
Xem phim Việt, thấy không ít bối cảnh đẹp được khai thác ở các khu du lịch, thế thì có nhẽ cứ đổi luôn đề án xây dựng trường quay thành đề án xây dựng khu kiến trúc sinh thái – du lịch kết hợp phim trường, vừa dễ hấp dẫn nhà đầu tư vừa đỡ gánh nặng cho ngân sách?
Bộ VH-TT&DL vừa phải “muối mặt” khất lỗi với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vì không thể tổ chức ASIAD 18 tại Việt Nam do việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ, chưa có Đề án bảo đảm tổ chức thành công (cũng may người ta “thông cảm” nên xí xóa chuyện xử phạt). Nay đến chuyện Đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ riêng việc xây dựng phim trường cũng lại khiến dân tình choáng thế này thì thật khốn khổ. 
Nhưng ngẫm lại, việc gì cũng có căn nguyên của nó. Phim Việt vẫn luôn là niềm mong chờ, niềm hy vọng của số đông người Việt nên xây dựng phim trường hẳn ai cũng thông cảm và ủng hộ. Tuy nhiên, với những gì vừa được Bộ VH-TT&DL đưa ra lấy ý kiến, có lẽ quý Bộ nên rút kinh nghiệm vụ ASIAD mà tính toán, nghiên cứu kỹ hơn, thấu đáo hơn, có những phương án khả thi và đỡ tốn kém hơn để chấn hưng nền điện ảnh nước nhà. 
Nếu chưa có phương án hay, chưa thuyết phục được dư luận thì những đề án chiến lược với tầm nhìn trung và dài hạn sẽ nhanh chóng trở thành quá ngắn hạn hay tốn kém không cần thiết. Phải làm sao cho dư luận đồng tình, ủng hộ chứ không phải là than vãn “lại vung tiền chơi…phim trường” mà khiến cho cái sự ác cảm với phim Việt càng trở nên sâu đậm hơn!

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.