Ngày 30/3, Bộ Tư pháp và Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có buổi làm việc về Đề án thí điểm xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái. Bộ Tư pháp là Bộ thứ 14 mà Tỉnh ủy Quảng Ninh tiến hành xin ý kiến đối với 2 Khu kinh tế đặt biệt này.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Bộ Tư pháp ủng hộ chủ trương xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh” |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết, với những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn thành một thành phố biển hiện đại, cửa ngõ giao thương quốc tế với trọng tâm là phát triển công nghiệp giải trí; các loại hình dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm tài chính ngân hàng và phát triển kinh tế biển. Đồng thời, đảm bảo Vân Đồn là khu phòng thủ vững chắc về quốc phòng – an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái thành một thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, là đô thị xanh, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới; trung tâm hội chợ quốc tế, giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với Đông Bắc Á, Đông Nam Á...
Để đạt được những mục tiêu vượt trội này, 2 Đề án của tỉnh Quảng Ninh đều đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt khuôn khổ pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị một cấp hành chính, được áp dụng các chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.... Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái sẽ áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, người nước ngoài xuất nhập cảnh vào khu Móng Cái được miễn thị thực v.v...
Do đó, theo Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính, bên cạnh sự quyết tâm của địa phương, Quảng Ninh cần nhận được sự quyết tâm chính trị, sự ủng hộ cao của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tới các Ban của Đảng.
Đánh giá cao những sáng tạo, trăn trở của Quảng Ninh trong việc tìm những mô hình mới để phát triển kinh tế địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng Đề án và ủng hộ chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong việc tiếp tục đề xuất với Bộ Chính trị cho chủ trương xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu Kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái”.
Từ những nội dung cụ thể tại Đề án xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhận định: “Những đề xuất về chủ trương, chính sách và mô hình phát triển đối với Vân Đồn mang tính đột phá, với nhiều cơ chế, chính sách vượt khuôn khổ pháp luật hiện hành nên về thủ tục, trước hết, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần trình Bộ Chính trị Đề án này. Nếu Bộ Chính trị xem xét, thông qua Đề án, giao Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo và xây dựng Nghị quyết về việc thành lập Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn và xây dựng, trình Quốc hội Luật về Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn thì Quảng Ninh mới có cơ sở để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo”.
Đối với Khu Kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, theo Đề án thì Khu này cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi đặc thù vượt quá các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu so sánh tính chất đặc thù giữa 2 Khu Vân Đồn và Móng Cái thì đặc thu Vân Đồn được hưởng những ưu đãi và đặc thù cao hơn nhiều lần. Do đó, ý kiến của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp là “Không cần thiết phải ban hành một Luật của Quốc hội để thực hiện” mà “Khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết thông qua Đề án, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái trong đó quy định các chính sách, ưu đãi với khu này”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể được nêu trong 2 Đề án.
Hồng Thúy