Mặc dù là một nhiệm vụ mới, chưa từng có “tiền lệ” được Chính phủ giao phó nhưng Bộ Tư pháp đã kịp thời bắt tay triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến việc cải thiện, nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1). Bước đầu, các hoạt động này đã đem lại hiệu quả, thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc.
Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ về nâng xếp hạng chỉ số B1 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Tư pháp đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, cơ quan, địa phương về nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2019 (Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019).
Tiếp đó, nhằm quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ này tới các bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tư pháp đã tổ chức 2 Hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật tại Hà Nội (ngày 12/4/2018) và TP HCM (ngày 16/4/2018). Hội nghị do Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì, cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về tư vấn, quản lý doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp 2 miền Bắc, Nam.
Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 1777/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1. Một nội dung đáng chú ý của Công văn là đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc, khẩn trương thực hiện ngay việc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi địa phương hoặc thuộc lĩnh vực quản lý triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương mình theo nội dung hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn 1083.
Trong đó, đề nghị có sự ưu tiên hợp lý trong tập trung nguồn lực để thực hiện các việc: rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành và địa phương; tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với các phản ánh, kiến nghị trực tiếp liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh hoạt động đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng xếp hạng chỉ số B1, Bộ Tư pháp đã kết nối với tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhằm trao đổi về các khó khăn, vướng mắc mà Bộ Tư pháp gặp phải trong quá trình triển khai chỉ số này. WEF đã có ý kiến phản hồi về những vấn đề mà Bộ Tư pháp quan tâm, đồng thời tham gia cuộc họp trực tuyến cùng Bộ Tư pháp để tiếp tục trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến việc nâng xếp hạng chỉ số B1. Cuộc trao đổi đã diễn ra thành công, giải đáp được hầu hết những thắc mắc từ phía Bộ Tư pháp đối với cách khảo sát, tính điểm xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp, nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1 là một nhiệm vụ mới Chính phủ giao Bộ Tư pháp. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho Bộ khi chỉ số B1 là chỉ số được nhận định là khó cải thiện trong giai đoạn hiện nay, khi mà doanh nghiệp đang phải liên tục đầu tư chi phí để tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời có khả năng gánh chịu các phi phí rủi ro pháp lý hoặc các chi phí không chính thức khác, vốn là những chi phí rất khó để lượng hóa cũng như cắt giảm.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền về nâng xếp hạng chỉ số B1. Theo đó, công tác truyền thông về chỉ số B1 dự kiến sẽ được thực hiện thường xuyên, đa dạng với nhiều hình thức như đăng tin bài giới thiệu các hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức tọa đàm, trao đổi trực tuyến về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện việc nâng xếp hạng chỉ số B1… để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, góp sức hoàn thành nhiệm vụ.