Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2013 khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội đồng thời cũng thông qua một nghị quyết về triển khai thi hành Hiến pháp. Trong Nghị quyết về triển khai thi hành Hiến pháp đề ra nhiều giải pháp để thi hành Hiến pháp,.
Trong đó có yêu cầu về xây dựng và ban hành các văn bản luật, nghị quyết có liên quan. Trong danh sách này, có trên 70 các văn bản nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải soạn thảo để ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bộ trưởng cũng cho biết, danh sách này là danh mục kèm theo Nghị quyết để cho các cơ quan và đặc biệt là của các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu để đề xuất. Còn có đề nghị, đề xuất về xây dựng luật hay không và quá trình ban hành như thế nào, trình Quốc hội xem xét thông qua thì phải thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Qua rà soát của Bộ Tư pháp, thì còn lại 20 văn bản làm chưa xong. Kỳ họp 10, Quốc hội sẽ xem xét 2 đề xuất: Một là dự án về Luật Thỏa thuận quốc tế; Hai là nghị quyết của Quốc hội về tham gia gìn giữ hòa bình. Có 8/18 dự án luật thì các cơ quan đề xuất không xây dựng và cũng có những luật theo Bộ trưởng Long là chưa khả thi như Luật Tiền lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, có một số luật đã đưa vào hoặc đã trình nhưng chưa thành công. Ví dụ như Luật về hội chưa đạt được sự đồng thuận, mặc dù đã chuẩn bị gối tiếp 2 nhiệm kỳ. Có một số các dự án luật đang được nghiên cứu để đề xuất đưa vào chương trình, như Luật về hàm cấp ngoại giao, Luật về công nghiệp quốc phòng.
Ngoài ra, với 10 dự án luật còn lại thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, hiện các bộ, ngành đang nghiên cứu. Sắp tới, sẽ có những dự án luật đề xuất để bổ sung vào chương trình 2021.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp đã báo cáo một số lần với Quốc hội, đặc biệt là trong quá trình lập và đề xuất các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trong Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp vừa qua cũng có những văn bản luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua, mà trong nội dung đã “đan xen” được ở mức độ này hay mức độ khác vào những dự án luật này.
Trên tinh thần như vậy, người đứng đầu Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, các ngành đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thì nghiên cứu cụ thể về từng dự án luật; có ý kiến trả lời dứt khoát là có trình hay không trình và lý do vì sao.
Đồng thời, Bộ trưởng Long cũng đề nghị Quốc hội xem xét để “chốt” danh sách các văn bản luật, nghị quyết thi hành Hiến pháp sau 7 năm triển khai Hiến pháp.
Cuối cùng, Bộ trưởng Long cam kết: “Bộ Tư pháp sẵn sàng với chuyên môn của mình hỗ trợ các bộ, các ngành trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản”.