Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh theo quy định phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú.
Nếu cho người bệnh tự mua thì có thể có những nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong vấn đề thanh toán.
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc; thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. “Đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.
Vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như đề nghị các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất nghiên cứu các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực.
Cùng với đó, cần rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Về cơ chế để thanh toán tiền cho người bệnh, Bộ Y tế đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư, hiện, nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng.
Bộ sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành địa phương trong quá trình xây dựng thông tin để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu vấn đề, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, triển khai hồ sơ sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có căn cứ khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế. Kết cấu giá dịch vụ chưa có chi phí công nghệ thông tin (CNTT) nên nguồn lực dành cho việc này còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã triển khai để tháo gỡ nội dung trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, CNTT trong quản lý của ngành y tế là một đòi hỏi rất cấp bách. Để giúp tăng cường công tác quản lý, giảm chi phí và thuận tiện cho người dân, thời gian qua, ngành Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành.
Liên quan đến triển khai hồ sơ điện tử và Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ đã có các quyết định phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa 2020-2025 và Kế hoạch thúc đẩy phát triển sử dụng các nền tảng số y tế để thực hiện chuyển đổi số đến 2025.
“Thời gian qua, Bộ Y tế tích cực triển khai và áp dụng thí điểm. Chúng tôi lấy ví dụ, hiện tại tại Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đã triển khai thực hiện đề án Khám, chữa bệnh từ xa hết sức hiệu quả. Chúng tôi đã đánh giá tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng với các đơn vị, cơ sở y tế khác”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Liên quan đến hồ sơ điện tử, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, hiện đang triển khai thí điểm. Bên cạnh đó, tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua cũng đã đưa những nội dung liên quan đến phần về CNTT nằm trong chi phí quản lý của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo lộ trình, Chính phủ đang triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) và những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về tiến độ sắp xếp trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND huyện.
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện cũng đã có nhiều lần thay đổi. Tại Báo cáo giám sát khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng đã nói rất rõ những nội dung đã làm được, việc chưa làm được.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, Nghị quyết 99 được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 5 có thể khẳng định việc chúng ta triển khai thực hiện sắp xếp trung tâm y tế cấp huyện về UBND huyện để đảm bảo quản lý thống nhất, đồng bộ về nhân lực, bộ máy. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo được sự chỉ đạo về chuyên môn của sở y tế để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Gần đây nhất, tại Chỉ thị 25 của Ban Bí thư đã khẳng định việc chúng ta chuyển mô hình trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý. Trong Nghị quyết 99 của Quốc hội cũng đã nêu phải hoàn thành việc chuyển giao trước ngày 1/7/2025.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ ngành rà soát lại các quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ để tham mưu, sửa đổi theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.