Khởi công từ tháng 2/2014, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, sau khi hoàn thành sẽ mở rộng cánh cửa thông thương vận tải thủy khu vực phía Bắc với các vùng miền thông qua vận tải ven biển, giảm áp lực cho đường bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, cũng như toàn miền Bắc nói chung.
Đích thân thị sát công trình, ông Thăng yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, đơn vị nào dây dưa sẽ bị xử lý nghiêm. Trước đó, báo cáo Bộ trưởng tại công trường, đại diện chủ đầu tư - Ban quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, tính đến thời điểm hiện tại các đơn vị thi công đang trễ tiến độ khoảng 2 tháng so với yêu cầu. Ban này đang đốc thúc các các nhà thầu tham gia dự án gấp rút tăng cường khối lượng công việc, chậm nhất đến tháng 12/2014 bù đủ tiến độ.
Về thông tin đại diện tư vấn giám sát (CNR – Pháp) phát biểu khi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng – nói rằng dự án đã trễ tiến độ 7 tháng – ông Hưng cho biết “đây là một sự nhầm lẫn” vì dự án tính từ khi khởi công đến nay cũng mới được 7 tháng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giao thông thủy nội địa là thế mạnh của Đồng bằng sông Hồng, là loại hình vận tải có nhiều ưu việt với khối lượng lớn, chi phí thấp. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước hạn chế nên đến nay cơ sở hạ tầng giao thông thủy nội địa của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Hồng nói riêng vẫn đang trong tình trạng nghèo nàn, đi lại khó khăn, không đảm bảo an toàn và là nguyên nhân chủ yếu cản trở quá trình phát triển giao thông thủy nội địa khu vực và cả nước.
Với sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong tài trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), riêng cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang trị giá 110 triệu USD, ngành giao thông kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối giao thông với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp tàu có tải trọng 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và tàu 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và Cảng Ninh Phúc.