Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.
Tham gia Đoàn còn có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương có các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm.
Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan đang phát triển tốt đẹp.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Thái Lan sau 24 năm.
Trả lời báo chí trước chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, chuyến thăm sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan.
“Những văn kiện hợp tác quan trọng dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này. Hai bên cũng dự kiến thông qua Tuyên bố chung về chuyến thăm”, Thứ trưởng Ngoại giao thông tin.
Về sự tham gia của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều hoạt động cả đa phương và song phương, nổi bật là.
Thứ nhất, Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà Lãnh đạo và Trưởng đoàn từ 21 nền kinh tế thành viên có 2 phiên thảo luận sâu về tình hình và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.
Đây là dịp để chúng ta chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm của Việt Nam và đề xuất hướng đi để hợp tác APEC đóng góp hiệu quả hơn vào giải quyết các thách thức chung của khu vực, vì lợi ích chung của tất cả thành viên.
Thứ hai, Chủ tịch nước sẽ tham dự phiên đối thoại cùng các khách mời của Hội nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại và phối hợp hành động giữa APEC với các khu vực bên ngoài.
Thứ ba, Chủ tịch nước được mời làm diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 và sẽ cùng các Nhà Lãnh đạo APEC đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC. Đây là thông lệ đặc sắc của APEC nhằm khuyến khích sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng chính sách và hợp tác khu vực.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện các bộ, ngành Việt Nam tham gia các cuộc họp cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp để xây dựng văn kiện và chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao, có thể khẳng định đoàn Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các Hội nghị, đề cao tinh thần đối thoại, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương, triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII; nỗ lực cùng các thành viên tìm kiếm giải pháp giúp Diễn đàn vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ các thành tựu và giá trị cốt lõi của hợp tác và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Qua Hội nghị, chúng ta sẽ gửi tới bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp vềnền kinh tế Việt Nam năng động, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.