Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng làm việc với Cục Bổ trợ Tư pháp về Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.
Phải tìm phương án giải quyết các vấn đề về hiệu lực
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, đối với vấn đề ủy quyền lập pháp, ý kiến của thành viên Chính phủ cho rằng việc thực hiện quy định văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, dẫn đến tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết diễn ra trong nhiều năm nay. Do đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định theo hướng quy định rõ ràng về cơ chế ủy quyền lập pháp trong Luật, các quy định nội dung ủy quyền lập pháp chỉ có hiệu lực khi văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Về vấn đề ủy quyền lập pháp, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) và chuyên gia Dương Thanh Mai cũng cho rằng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết không cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ gây ra khoảng trống pháp lý dẫn đến tính trạng khó xử lý, khó áp dụng. Đồng thời ông Sỹ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phải tìm phương án giải quyết các vấn đề về hiệu lực.
Đặc biệt, về nguyên tắc áp dụng luật chung, luật chuyên ngành, ông Sỹ nhấn mạnh, không tán thành nguyên tắc luật sau phủ định luật trước. Nhất là, trong cùng một văn bản, nếu có vấn đề khác nhau thì văn bản áp dụng quy định của luật sau sẽ làm thiếu thống nhất về hệ thống pháp luật. Do vậy, ông Sỹ cho rằng, nếu muốn có quy định khác với luật trước đó, thì phải xử lý ngay là tại sao lại có sự khác biệt đó và phải lựa chọn áp dụng theo luật nào.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về văn bản quy định chi tiết, xem xét bỏ việc trình đồng thời dự thảo văn bản quy định chi tiết với dự án luật, pháp lệnh…Về nguyên tắc áp dụng luật chung, luật chuyên ngành, Bộ trưởng yêu cầu phải xử lý trong từng văn bản cụ thể. Bên cạnh đó, phải xử lý để luật sau sửa luật trước và sửa ngay tại luật sau…
Coi việc cấp thẻ giám định tư pháp là một chức danh
Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng làm việc với Cục Bổ trợ Tư pháp về Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến cho biết, đối với ý kiến cho rằng quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp làm tăng nhân lực, tài chính phát sinh, Bộ Tư pháp đã giải trình là việc cấp thẻ để tạo điều kiện cho giám định viên khi tham dự phiên tòa và thực hiện giám định được thuận lợi hơn. Đặc biệt là các chức danh bổ trợ tư pháp khác hiện nay đều có thẻ và quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cũng yêu cầu phải làm rõ các thuật ngữ cơ quan trưng cầu giám định và người giám định để tạo tính thống nhất và nhất quán theo yêu cầu của luật. Liên quan đến việc sử dụng kết luận giám định tư pháp, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng cần xem xét, làm rõ các quy định để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
Cơ bản nhất trí với những tiếp thu, giải trình của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu xem xét, làm rõ lại các thuật ngữ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt. Về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp, Bộ trưởng đề nghị coi đây là một chức danh, mang tính chất chính danh, tăng tính chuyên nghiệp. Về tổ chức giám định tư pháp công lập, Bộ trưởng yêu cầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải cụ thể hóa hơn nữa, đi sâu hơn nữa vào bản chất sự việc.
Về quy định giám định pháp y giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các quy định để tránh xảy ra vướng mắc, chồng chéo trách nhiệm giữa hai Bộ…