Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Phan Văn Mãi, UV BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre; Ông Nguyễn Hải Châu, UVBTV Tỉnh ủy - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Hữu Lập, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng với lãnh đạo các Cơ quan tư pháp, các Sở, Ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu tốt cho cấp ủy và chính quyền địa phương
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre báo cáo kết quả công tác Tư pháp, THADS trước Đoàn công tác. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, hoạt động ngành tư pháp và bổ trợ tư pháp trong tỉnh có tiến bộ. Cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động được sắp xếp đúng quy định, chuyên môn nghiệp vụ của phần lớn cán bộ tư pháp được nâng lên rõ rệt, đáo ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo trước Đoàn công tác. |
Ông Châu cho biết: Công tác hòa giải cơ sở luôn được cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, coi đây là khâu then chốt để hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp, hầu hết cán bộ tư pháp ở cơ sở làm tham mưu khá tốt cho cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các khiếu nại, tranh chấp, mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã tham gia hòa giải 182 vụ, hòa giải thành 159 vụ, tỷ lệ trên 90%. Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai có hiệu quả. Các hình thức, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật mới, đặc thù được triển khai, nhân rộng tại một số địa phương. Nội dung pháp luật được phổ biến chú trọng các vấn đề xã hội quan tâm, phù hợp từng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ và người dân.
Về trợ giúp pháp lý, ông Châu nói, đã thực hiện truyền thông cho 16/30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Năm 2018 khoảng 300 vụ việc trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng trên 200, trợ giúp viên thực hiện khoảng 70%. 6 tháng đầu năm trợ giúp pháp lý dân sự 50% so với hình sự và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp địa phương còn những hạn chế nhất định, công tác phối hợp chưa kịp thời, chưa đi vào chiều sâu. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện “cò pháp luật” kích xúi khiếu kiện, kích xúi đương sự bất hợp tác, thậm chí cản trở, chống đối, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác thực thi pháp luật tại địa phương.
Kiểm tra xử lý quyết liệt vấn nạn “cò pháp luật”
Sau khi nghe ông Châu trình bày, Đoàn công tác Bộ đã thông tin, hướng dẫn và giải thích nhiều vấn đề chuyên môn nghiệp vụ để cán bộ địa phương hiểu rõ. Đồng thời, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn cho các đơn vị gặp phải trong quá trình công tác.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch và Chứng thực hoan nghênh Bến Tre đã ban hành được kế hoạch số hóa nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý chung. “Đề nghị tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm bố trí hỗ trợ công tác nhập liệu địa phương”, ông Khanh nói. Theo ông Khanh, Bến Tre còn thực hiện khá tốt công tác liên thông “3 trong 1”. Tuy nhiên, đề nghị bố trí nguồn hỗ trợ bồi dưỡng hoặc phụ cấp cho cán bộ hộ tịch. “Trước đây dân phải đi làm khai sinh rồi đăng ký thường trú, đăng ký bảo hiểm. Bây giờ chỉ nộp hồ sơ một lần rồi chờ ngày được cấp. Việc nhiều mà anh em đi nhiều sẽ rất vất vả nên cần có hỗ trợ để anh em yên tâm làm việc”, ông Khanh đề nghị.
Các thành viên Đoàn công tác Bộ Tư pháp |
Nói về tình trạng “cò pháp luật”, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp đề nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị hữu quan xử lý, cử lực lượng thanh, kiểm tra chặt chẽ. “Nếu không sẽ ảnh hưởng đến các nghề tư pháp, ảnh hưởng đến uy tín cán bộ tư pháp, Công chứng viên, Luật sư…”, bà Yến nói.
Về khó khăn trong xóa án tích, ông Hoàng Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư Pháp Quốc Gia cho biết hiện cơ sở dữ liệu chưa đủ nên có nhiều vướng mắc, dễ dẫn đến sai sót. “Những người phạm tội thường có hành vi che giấu, ít đi khai thật hoặc khai gian dối... Chúng ta nghe theo lời khai là không đúng. Vì vậy cần có sự phối hợp giữa các ngành với nhau trong vấn đề này”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, trường hợp án ngoài tù nhưng không chấp hành nghiêm túc tại địa phương theo quy định bản án thì chúng ta không xóa án tích. “Vấn đề là phải chấp hành xong bản án, không chấp hành thì làm gì phải loay hoay xin cho họ tờ giấy đó (lý lịch tư pháp – PV)”, ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến câu chuyện áp dụng pháp luật, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng việc áp dụng pháp luật hiện nay chưa thực sự đúng đắn; chính vì vậy các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường kiểm tra áp dụng pháp luật. Có như vậy thì việc áp dụng pháp luật mới có thể có thể mang lại hiệu quả...
Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để Sở Tư pháp và THADS phát triển mạnh
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự đánh giá cao của Đoàn về công tác tư pháp, THADS tỉnh. Đối với kiến nghị của Đoàn về ngân sách hỗ trợ ngành Tư pháp và THADS, ông Lập đồng tình ghi nhận và nghiên cứu tạo mọi điều kiện thúc đẩy hoạt động cho các đơn vị.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đánh giá cao tính chủ động và hiệu quả tham mưu của Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh. |
Cũng về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, UV BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh ghi nhận, đồng thời chỉ đạo cấp ủy và lãnh đạo Sở Tư pháp và THADS tỉnh lập kế hoạch đề xuất và trình UBND tỉnh xem xét sớm nhất. Bên cạnh đó, ông Mãi cũng đánh giá cao tính chủ động và hiệu quả tham mưu thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh. Đồng thời, hai đơn vị cũng đã chủ động trong đề xuất xây dựng, tổ chức bộ máy, cơ chế, phương thức hoạt động hiệu quả cho cơ quan – ông Mãi nhấn mạnh.
Đại diện các Sở, ngành tỉnh Bến Tre |
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, ngành Tư pháp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước |
Trước đó, báo cáo trước Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, Cục THADS tỉnh Bến Tre đã xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thường xuyên bám sát địa bàn phụ trách, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi hành án, để nâng dần tỷ lệ thi hành từng tháng, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu nhiệm vụ vào cuối năm.
Về việc, tính đến 31/5, đã thụ lý hơn 16.300 việc. Trong đó, giải quyết xong hơn 7.000 việc, đạt tỷ lệ 55,10%/73% chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thụ lý hơn 1.200 tỷ. Đã giải quyết xong gần 225 tỷ đồng đạt tỷ lệ hơn 26%/33% chỉ tiêu được giao. Cục duy trì thực hiện tốt chế độ tiếp công dân thường xuyên, trường hợp khiếu nại phức tạp đều được lãnh đạo Cục trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.