Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thẩm định văn bản trong quy trình xây dựng văn bản, ban hành chính sách. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thẩm định có nhiều đổi mới, nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong kiểm soát và nâng cao chất lượng văn bản. Phiên giải trình này làm rõ những vấn đề làm được, cũng như những vấn đề chưa rõ, chưa được để kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Tập trung nguồn lực cho công tác thẩm định
Báo cáo một số nội dung của công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 71 dự án, dự thảo. Theo đó, Bộ Tư pháp đánh giá các cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ từng bước được nâng cao. Về thời hạn thẩm định, quy định là 20 ngày nhưng trung bình Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày. Đặc biệt, trong một số trường hợp, Bộ đã tập trung nguồn lực, huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng thẩm định (tổ chức thẩm định và có báo cáo sau 5 ngày).
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra việc chuẩn bị và gửi hồ sơ thẩm định vẫn còn trường hợp chậm, chỉ gửi công văn đề nghị thẩm định mà không có hồ sơ kèm theo hoặc hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thẩm định một số dự án, dự thảo, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần hoặc ít kinh nghiệm nên chất lượng ý kiến thẩm định chưa cao…
Về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, theo Bộ trưởng, phần lớn các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đều được gửi đến Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục; một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ; có trường hợp dự án, dự thảo được bổ sung nhiều vấn đề mới sau khi thẩm định, Bộ Tư pháp phải phát biểu bổ sung tại phiên họp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu có ý kiến thẩm định bổ sung của Bộ Tư pháp.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác thẩm định, Bộ trưởng cho hay Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định và giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng thẩm định, tăng cường các thành viên hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình thẩm định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo…
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, trong đó đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi Luật ban hành VBQPPL; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định; kiên quyết từ chối không thẩm định dự án không đủ điều kiện thẩm định….
Quan tâm chính sách thu hút cán bộ pháp chế
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi dành cho từng Bộ trưởng và cả những vấn đề cần 2 Bộ trưởng cùng giải đáp. Chẳng hạn như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đề nghị tiếp thu nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo không tiếp thu thì quan điểm của Bộ trưởng Tư pháp về hạn chế này; giải pháp tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế; nhận định như thế nào khi có đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề giữa báo cáo của các Bộ; có dự thảo chưa đảm bảo chất lượng, sơ sót về kỹ thuật thì do quy trình hay do yếu kém trong thực hiện quy trình…
Trả lời nội dung được nhiều đại biểu quan tâm về việc tiếp thu giải trình, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, sau khi phiên trả lời chất vấn UBTVQH vào năm ngoái cùng sự tham gia thực sự thiết thực, chất lượng của các cơ quan của Quốc hội vào công tác xây dựng pháp luật thì cơ bản khắc phục tình trạng hạn chế trong tiếp thu giải trình, nếu còn yếu thì xử lý ở các công đoạn khác nhau. Bộ trưởng dẫn chứng, có trường hợp Bộ Tư pháp không nhất trí trình Chính phủ để trình cơ quan có thẩm quyền đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Phòng, chống tác hại rượu bia (trả hồ sơ); hay ngay từ khi lập chương trình, Bộ Tư pháp đã chỉ rõ việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là chậm một bước so với quy hoạch ngành thì nên chăng xử lý vấn đề mang tính nguyên tắc, thiết kế điều khoản chuyển tiếp… và bây giờ đúng là đang gặp khó khăn trong việc soạn thảo, ban hành.
Về đề xuất rút ngắn thời gian thẩm định, Bộ trưởng Long thẳng thắn bày tỏ sự không nhất trí với đề xuất này. Bộ trưởng phân tích, Luật Ban hành VBQPPL quy định là 20 ngày thì nhiều trường hợp Bộ Tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ còn 15 ngày, thậm chí có trường hợp chỉ còn 3 – 5 ngày. Nêu kinh nghiệm của nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác thẩm định là nhọc nhằn, đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng nên 20 ngày đã là ngắn. Đó là chưa kể đến việc lập hội đồng thẩm định cũng cần huy động trí tuệ tập thể không nhỏ bởi không phải cơ quan nào cũng sẵn sàng cử người.
Cảm ơn lưu tâm của đại biểu đối với Nghị định 55, Bộ trưởng Long cho rằng, Nghị định này là cố gắng rất lớn của Chính phủ và Bộ Tư pháp luôn tâm niệm pháp chế bộ, ngành là cánh tay nối dài của Bộ, ngành Tư pháp. Mặc dù đội ngũ cán bộ pháp chế được Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ về những khó khăn, nhưng trong bối cảnh hiện nay rất khó tăng cường. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các bộ, ngành, địa phương quan tâm các chính sách thu hút khác; bản thân cán bộ cần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ. Về phía Bộ Tư pháp, sẽ cố gắng tối đa trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan. Đặc biệt, ông lý giải một số dự án không đảm bảo chất lượng thì hạn chế xuất phát từ cả quy trình và tổ chức thực hiện quy trình, đồng thời cam kết sẽ tìm ra giải pháp khắc phục. Riêng về đội ngũ cán bộ pháp chế, ông nhận thấy ở một số nơi cán bộ pháp chế còn thiệt thòi, chưa được quan tâm trong khi công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ giữ vị trí quan trọng…
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định một lần nữa đánh giá vai trò quan trọng của công tác thẩm định, đặt ra yêu cầu phải phát huy hơn nữa những mặt tích cực của công tác này để giúp bảo đảm tiến độ, nâng cao, kiểm soát chất lượng các dự án trình Quốc hội. Sắp tới, ông Định đề nghị các cơ quan quyết tâm thực hiện đúng các quy định về công tác thẩm định cho đến khi có quy định mới tốt hơn khi sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL.
Cụ thể hơn, Văn phòng Chính phủ cần giúp Chính phủ duy trì kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các dự án. Các cơ quan tăng cường phối hợp với nhau, phối hợp với Bộ Tư pháp, chấp hành đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp đồng thời phối hợp, hỗ trợ tốt với Bộ Tư pháp khi được mời tham gia hội đồng thẩm định, cần lựa chọn cán bộ chuyên sâu về nội dung của dự án, dự thảo. Các bộ, ngành cùng đề cao công tác xây dựng pháp luật để nâng cao chất lượng, không thể dồn hết trách nhiệm cho Bộ Tư pháp hay cơ quan chủ trì…