Sáng nay, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiều đại biểu Quốc hội đối với đã đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với nỗi lo lắng của người dân về hàng hóa kém chất lượng lượng đang tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, những giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra vẫn chỉ là “lộ trình, lộ trình và lộ trình” như lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: “Cử tri rất bất an về hàng kém chất lượng, hàng giả. Tôi xin hỏi Bộ trưởng, Ngành công thương đã làm gì?. Thời gian tới sẽ làm gì để xóa bớt nỗi lo này của cử tri?".
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng bức xúc: Quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực phẩm có hóa chất độc hại người tiêu dùng mua không dám mua, ăn không dám ăn. Cũng bởi tình trạng này mà người sản xuất trung thực bị ảnh hưởng, nảy sinh một thực tế “thật thà thì ăn cháo, "bố láo" thì ăn cơm”. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, hướng khắc phục như thế nào?.
Bộ trường Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời: Đây là vấn đề không mới, đã tồn tại tương đối dài. Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng còn nhiều việc chưa làm được, và chúng tôi cũng xác định phải có trách nhiệm trước dân. Vấn đề quản lý thị trường không phải chỉ có lực lượng quản lý thị trường của Công Thương.
Câu chuyện về thực phẩm kém chất lượng còn liên quan đến cả Bộ Y tế, Bộ Công an… Các lực lượng này phối hợp với nhau để quản lý thị trường. Lực lượng này đã rất cố gắng để đảm bảo quyền lợi, thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, kết quả chưa được nhiều.
Thời gian tới, các lượng lượng quản lý thị trường sẽ được quan tâm hơn. Khung pháp lý cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện để việc quản lý, điều chỉnh được chặt chẽ hơn, vì dụ như ban hành quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nâng cao khung xử phạt, nâng cao đạo đức nghề nghiệp…
"Chúng tôi cũng rất mong cử tri cả nước, các ĐBQH tiếp tục quan tâm giúp đỡ để lực lượng quản lý thị trường làm tốt hơn", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): “Vì sao hàng hóa thực phẩm độc hại vẫn nhập mà không được chặn đứng?. Cử tri cả nước đã nghe quá nhiều khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc không nên dùng hàng kém chất lượng, nhưng cử tri không có phương tiện để biết được thế nào là ngưỡng của kém chất lượng. Tại sao Bộ Công Thương không “chỉ đích danh” cho người tiêu dùng biết?”.
Bộ trưởng bộ Công Thương phân trần: Hiện nay mặc dù đã hết sức cố gắng trong việc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập, nên là nguyên nhân hàng kém chất lượng, hàng giả, độc hại còn lưu thông. Chúng ta đã có quy định để hạn chế hàng nhập khẩu, nhưng các loại hàng này xâm nhập chủ yếu là nhập lậu. Mà việc này thì chúng ta chưa kiểm soát được.
“Tôi nghĩ rằng với những biện pháp ta làm vừa qua là chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, thiếu chặt chữ. Việc xử lý hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Điều kiện thực thi công vụ còn bất cập”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò, ý thức của người dân trong việc để hàng giả, hàng kém chất lượng lan tràn trên thị trường.
Đặt câu hỏi trực tiếp vào 3 mặt hàng giả nhiều nhất, gây bức xúc nhất là mũ bảo hiểm, xăng và phân bón thuốc trừ sâu, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) chất vấn: “Bộ trưởng cho biết sau một năm nữa, đã có thể cơ bản chặn đứng được hàng giả, hàng kém chất lượng của 3 mặt hàng đó không?”.
Bộ trưởng nói: “Về mũ bảo hiểm, hiện tượng nhiều người bán sản phẩm kém chất lượng đã phát hiện, xử lý. Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã cùng ngồi bàn bạc, sắp tới sẽ ban hành văn bản để giải quyết mạnh hơn loại hàng này. Bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng của ngành Công Thương, các bộ ngành có liên quan, chúng tôi tin rằng sản phẩm mũ bảo hiểm xe máy không bảo đảm chất lượng sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất".
Về vi phạm trong xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho biết, biện pháp trước hết là kiểm soát nhập khẩu. Đặc biệt quan tâm vấn đề kiểm tra, kiểm soát trong nước. Còn với phân bón, thuốc trừ sâu Bộ cũng sẽ nghiên cứu để ban hành văn bản sớm nhất.
Liên quan đến xăng dầu, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt câu hỏi với một phát hiện thú vị: “Kỳ họp trước của Quốc hội, giá xăng dầu cũng giảm. Tối hôm qua, giá xăng dầu cũng giảm, phải chăng đây là “liệu pháp linh hoạt” trước phiên chất vấn hôm nay của Bộ trưởng?”
Không chỉ người được chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng “đính chính”: Do sự trùng hợp ngẫu nhiên, giá xăng dầu quốc tế giảm thì giá trong nước cũng phải giảm.
“Chúng tôi nói đùa với nhau. Cứ ta họp quốc hội là giá xăng dầu quốc tế lại giảm. Giá Quốc hội họp cả năm thì đỡ phải nhức đầu vì giá xăng”, Bộ trưởng V ương Đình Huệ nói vui.
Trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương về chất lượng hàng hóa, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng cần đưa ra các tiêu chí chuẩn hóa, cần có tiêu chí để so sánh. Không nên chỉ đề cập theo dạng "lộ trình, lộ trình và lộ trình".
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời chất vấn cử tri về việc giải quyết hàng tồn kho, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, các chính sách cho bà con vùng thủy điện…
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nhật Thanh