Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: Trong định hướng chung trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra, lãnh đạo huyện đã có những chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình đề án trọng điểm, trọng tâm, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, để từ đó cụ thể rõ nét hơn trong các mục tiêu của nhiệm kỳ.
Bước vào thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021, trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, huyện Bố Trạch đã có những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm.
Đặc biệt là công tác thu ngân sách trên địa bàn thực hiện khá cao 354 tỷ đồng, đạt 92% dự toán tỉnh giao, 78,8% dự toán huyện giao, tăng 128,3% cùng kỳ; Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân ước đạt 36.765 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ; Sản lượng thủy sản ước đạt 9.767,2 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 545 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ; Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, Có 15 xã đạt 19 tiêu chí; 3 xã đạt 15-18 tiêu chí; 5 xã đạt 10-14 tiêu chí và 2 xã đạt 5-9 tiêu chí; Toàn huyện có 12 sản phẩm của 6 chủ thể đạt 3 sao tại cuộc thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.
Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. |
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác phòng, chống COVID-19 được kiểm soát; Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được huyện Bố Trạch tổ chức thành công, số cử tri đi bầu đạt 99,88%, trong đó đại biểu từ cấp huyện đến cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội các vị chí chủ chốt đắc cử với số phiếu cao, đảm bảo đúng cơ cấu, định hướng.
Đây là sự tin tưởng tuyệt đối, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, để huyện Bố Trạch hiện thực hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, với mục tiêu là để Nhân dân được cải thiện mọi mặt của cuộc sống. Kết quả cuối cùng phải được đo bằng mức độ thụ hưởng, sự hài lòng và đồng thuận của Nhân dân.
Khởi động 3 chương trình đề án trọng điểm
Đề án trọng điểm đầu tiên được Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đó là; Công tác “Cải cách hành chính”, xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng CNTT, tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư kinh doanh. Đây được xem là điểm nghẽn trong CCHC, là chương trình đề án trọng điểm được huyện Bố Trạch xác định trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.
Trong đó, tập trung chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc của cán bộ công chức, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đăng ký kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản… mục tiêu hướng đến là sự hài lòng, là thước đo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức đến giao dịch thủ tục hành chính cũng như giải quyết các chế độ, chính sách, đây là khâu đột phá mang tính định hình chiến lược.
Thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. |
Chương trình đề án trọng điểm thứ 2 là “Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây là một trong những lĩnh vực có thế mạnh lâu nay của Bố Trạch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến khá phức tạp, đã tác động lớn đến ngành du lịch của huyện. Trên cơ sở tình hình thực tế và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, huyện Bố Trạch đã có những định hướng chỉ đạo sát với tình hình thực tế như: khuyến khích du lịch nội địa trong huyện và giữa các địa phương, các xã để đảm bảo duy trì các điểm du lịch trọng điểm như Phong Nha, du lịch biển, vừa đem lại nguồn thu cũng như tạo công ăn việc làm, duy trì được các hoạt động của các cơ sở du lịch trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Huyện Bố Trạch chủ trương nâng cao chất lượng du lịch khám phá hang động, phát triển các chương trình du lịch nội địa. |
Đề án trọng điểm thứ 3 là “đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”. Trên cơ sở cân đối nguồn lực của huyện và lồng ghép chương trình dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các hệ thống đường giao thông để tạo tính liên kết, đồng bộ giữa các vùng và tính hiện đại ở một số vùng, nhất là khu vực đô thị.
Hiện nay huyện đã đề xuất tỉnh để xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách TW, ngân sách tỉnh để mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường, đầu tư xây dựng một số tuyến mới nhằm tạo tính kết nối từ khu vực Phong Nha về biển Thanh Trạch đến Nhân Trạch, để phát triển kinh tế du lịch và kinh tế biển.
Đặc biệt là tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch chung thị trấn Hoàn Lão và vùng phụ cận đến 2035, để làm căn cứ, cơ sở tổ chức thực hiện việc đầu tư đảm bảo đúng quy định. Trên cơ sở tích hợp quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt 2021-2050. Đồng thời tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, để thực hiện các dự án đầu tư góp phần chỉnh trang đô thị, trọng tâm là thị trấn Hoàn Lão và vùng phụ cận. Trên cơ sở đó, từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đây là một trong những mũi đột phá kinh tế đô thị cần cả một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, cùng với những quyết sách đúng, mang tính đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, sự hỗ trợ của cấp trên…, tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Bố Trạch sẽ thành công với diện mạo đô thị mới theo đúng lộ trình đã đề ra.
Tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Đây là đề án trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bố Trạch. Mặc dù trong thời điểm hiện nay còn khá nhiều khó khăn thách thức, nhưng cũng là điểm khởi đầu để ngành nông nghiệp Bố Trạch xác định rõ vị trí xuất phát, biến “nguy cơ thành thời cơ”, tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế.
Theo đó để nâng cao chuỗi giá trị trên mỗi sản phẩm của ngành nông nghiệp, các địa phương trong huyện Bố Trạch cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa từng vùng, miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại; nâng cao chất lượng sức cạnh tranh.
Tiếp đó là tìm kiếm thị trường trong nước, nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị trường, đẩy mạnh đưa thị trường hàng hóa từ nông thôn lên thành thị để ổn định đầu ra cho các sản phẩm, kết hợp với dự báo tình hình, cũng như xác định các tiềm năng thế mạnh.
Các sản phẩm OCOP của huyện Bố Trạch được người dân địa phương và một số người dân vùng lân cận tin dùng. |
Trước hết mỗi địa phương phải có định hướng phát triển cụ thể trồng cây gì, nuôi con gì là thế mạnh đặc trưng của mình. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược để mỗi xã trong huyện Bố Trạch phải xác định được các sản phẩm nào là chủ lực, tiềm năng thế mạnh của mình để tập trung sản xuất, nâng cao giá trị, tạo thương hiệu riêng cho từng vùng, miền, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản. Theo đó huyện sẽ tập trung hổ trợ đầu ra cho người dân việc tiêu thụ sản phẩm, tránh được mùa mất giá, hướng đến mục tiêu là nâng cao chuổi giá trị trên mỗi sản phẩm.
Với 3 chương trình đề án trọng điểm là: “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, “Xây dựng chính quyền điện tử”, “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” và nhiệm vụ trong tâm là đề án “Tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị”, huyện Bố Trạch tự tin sẽ có diện mạo mới xứng tầm với tiềm năng thế mạnh của mình trong nhiệm kỳ mới.
Vẫn biết chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bố Trạch tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất cao, vượt qua mọi khó khăn thách thức, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXIII đã đề ra./.