Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cảnh báo thực tế tranh chấp nguồn nước giữa Đà Nẵng, Quảng Nam

Hình ảnh trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và nước sông cạn kiệt trong mùa khô năm nay
Hình ảnh trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và nước sông cạn kiệt trong mùa khô năm nay
(PLVN) - Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề: “Môi trường nước các lưu vực sông” do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành đầu tháng 8/2019 khẳng định, việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ lưu đã trở nên gay gắt; việc tranh chấp nguồn nước giữa hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện vẫn diễn ra suốt những năm vừa qua mỗi khi mùa khô về.

Báo cáo này do Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trực tiếp chỉ đạo biên soạn. Nội dung báo cáo trên thể hiện, trong giai đoạn 2014-2018, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn biến động khá rõ rệt.

Chất lượng nước sông Vu Gia kém hơn sông Thu Bồn, hầu hết chỉ đáp ứng cho mục đích tưới tiêu và giao thông thủy. Kết quả quan trắc đã cho thấy nước hai sông bị ô nhiễm do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng với giá trị thông số BOD5 và thông số Amoni cao vượt quy chuẩn QCVN 08- MT:2015/BTNMT; thông số TSS thường ở mức cao vượt quy chuẩn tại hầu hết các điểm quan trắc trên hai con sông…

Tại khu vực hạ lưu sông Vu Gia và sông Thu Bồn, tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào các sông gây tác động xấu tới chất lượng nước và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Do các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn lưu vực sông tích nước trong thời gian mùa kiệt đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực hạ lưu các sông chính của Quảng Nam và Đà Nẵng.

Tình trạng này gây ảnh hưởng xấu tới việc cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng. Tại hạ lưu sông sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện, đoạn chảy qua huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An, nguồn nước thủy lợi bị nhiễm mặn nặng, khiến cho việc cấp nước cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp không thể thực hiện.

Những năm gần đây, xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thuỷ điện xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, ngay cả những năm lượng nước đến đảm bảo đúng công suất thiết kế.

Việc xây dựng công trình thuỷ điện Đak Mi 4 trên phần thượng nguồn của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam dẫn đến không trả đủ lưu lượng nước mùa kiệt về sông Vu Gia (diễn ra từ năm 2011-2012 đến nay) khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia, đặc biệt TP Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng, nước nhiễm mặn rất nặng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho những người dân sống ở các vùng hạ lưu như: Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam).

Nhà máy nước Cầu Đỏ cấp nước cho TP Đà Nẵng bị nhiễm mặn 4 - 5 tháng/năm; hệ thống đập dâng An Trạch không đủ cấp nước cho nông nghiệp huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Về giải pháp quản lý nguồn nước ở lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục duy trì chương trình quan trắc môi trường nước mặt định kỳ với tần suất 4-5 đợt quan trắc/năm tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, những năm qua, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có những nỗ lực trong việc cùng nhau định hướng và lập kế hoạch quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung và bảo vệ môi trường nước nói riêng. Tuy nhiên, cần tăng cường cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước theo quy định…

Trong những năm tới, sẽ tiến hành quy hoạch khai thác và sử dụng nước trên lưu vực sông nhằm bảo đảm nhu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước cho vùng thượng lưu và hạ lưu, đồng thời kiểm soát và phòng chống các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, khô hạn, thiếu nước trên diện rộng vào mùa khô và vấn đề lũ lụt vào mùa mưa. Giải quyết vấn đề sử dụng nước đa mục tiêu, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, kiểm soát xâm nhập mặn và khắc phục vấn đề ô nhiễm công nghiệp và sinh hoạt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn…

Đọc thêm

Hành động vì khí hậu sau COP29: Hành trình mới và cam kết mạnh mẽ

COP29 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. (Ảnh: UNFCCC)
(PLVN) - Hội nghị lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua Khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. Đây được coi là một thành tựu đáng kể, mở ra cơ hội cho việc giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn về mặt chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh những hứa hẹn, thị trường carbon toàn cầu cũng đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả và công bằng.

Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên Huế

Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ngoài vùng biển Thừa Thiên Huế; do một số khó khăn trong công tác xây dựng định mức và tình hình thời tiết tại địa phương.

Bão số 9 suy yếu dần, miền Bắc chuyển lạnh

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, cơn bão số 9 đang có xu hướng suy yếu dần. Trên đất liền, do tác động của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ đêm và sáng mai trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét...

Bão giật cấp 14 đổ bộ biển Đông

Dự báo vị trí,m hướng di chuyển của bão số 9. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) - 7h hôm nay 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, khu vực vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Trên đất liền, khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng các nơi khác...

Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030

 Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -  Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.